Vệ sinh vùng kín cho các bé không phải là điều dễ dàng đối với các ông bố bà mẹ trẻ. Nếu không vệ sinh đúng cách có thể khiến vùng kín của các bé bị đau, thậm chí là viêm nhiễm.
Khi lên thiên chức làm bố, làm mẹ thì bạn phải học hỏi cách chăm sóc các bé từ những điều nhỏ nhất. Có lẽ việc vệ sinh vùng kín khiến các bố mẹ trẻ bối rối nhất. Cách vệ sinh cho bé trai và bé gái rất khác nhau nên bố mẹ cần phải lưu ý để không làm tổn thương đến các bé.
Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết cách vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé trai và bé gái.
Tầm quan trọng của việc vệ sinh vùng kín cho cả bé trai và bé gái
Vùng kín của các bé khi chào đời cần được chú ý nhiều hơn bởi đây là vùng các bé dễ bị nhiễm khuẩn và tổn thương nhất. Các vấn đề thường gặp ở vùng kín các bé hăm tã, nhiễm trùng hoặc tổn thương vùng kín.
Do trẻ sơ sinh phải sử dụng tã trong phần lớn thời gian sau sinh vì thế rất dễ bị nhiễm khuẩn từ các vi khuẩn từ nước tiểu, phân, hoặc nước khi tiếp xúc với tã trong thời gian dài. Ngoài ra làn da của bé thời gian đầu đời rất nhạy cảm có thể bị tổn thương do nước không được thấm khô trong các kẽ sau tắm. Vì thế các bậc cha mẹ phải chăm sóc cho các bé từ các điều nhỏ nhất.
Việc vệ không chỉ giúp vùng kín của bé được thông thoáng, sạch sẽ mà còn giúp phát hiện sớm các bệnh lý bất thường bộ phận sinh dục ngoài ở các bé.
Cách vệ sinh vùng kín cho bé trai
Cách vệ sinh vùng kín cho các bé trai thường không phức tạp bằng vệ sinh cho vùng kín bé gái tuy nhiên các bậc cha mẹ cũng phải hết sức cẩn thận khi chăm sóc vùng kín cho bé.
Vệ sinh vùng kín cho bé trai không cắt bao quy đầu
Đối với bé không cắt bao quy đầu thì các mẹ cần phải lưu ý điều đầu tiên là tuyệt đối không kéo bao quy đầu của bé xuống. Bao quy đầu của bé được nối liền với dương vật bằng các mô cơ thể và bao phủ để bảo vệ đầu dương vật khỏi nhiễm trùng từ phân và nước tiểu. Việc kéo bao quy đầu có thể gây nên những tổn thương làm trẻ bị đau. Thậm chí sau khi kéo bao quy đầu bé có thể bị chảy máu hoặc nhiễm trùng vùng mô bị rách.
Cách vệ sinh cho bé khi không cắt bao quy đầu như sau:
- Trong năm đầu đời của trẻ mẹ cần dùng bông sạch thấm nước hoặc xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ với da bé để lau sạch dương vật và vùng bìu của bé. Sau khi vệ sinh sạch sẽ thì sử dụng khăn dành riêng cho trẻ sơ sinh để thấm khô.
- Phải luôn vệ sinh sạch sẽ vùng kín và vùng mông của bé sau khi thay tã với nguy cơ nhiễm trùng từ việc mặc tã ở trẻ nhỏ là rất cao.
- Lau vùng bao quy đầu một cách nhẹ nhàng, lau sạch chất màu trắng đục( hay còn gọi là smegma- tế bào chết và chất thải từ dương vật).
Lưu ý khi vệ sinh cho bé trai không cắt bao quy đầu:
- Không được chà xát mạnh vào da của trẻ. Nên dùng các khăn mềm mịn chuyên dùng cho trẻ sơ sinh.
- Khuyến khích các mẹ dùng nước sạch để vệ sinh cho bé. Có thể sử dụng các loại sữa tắm hoặc xà phòng dịu nhẹ với da bé. Tuyệt đối không sử dụng các loại chất sát trùng cho bé.
- Quan sát kỹ vùng kín của bé xem có xuất hiện các vùng hăm tã hay nhiễm trùng hay dương vật của bé có bị sưng hay không.
- Đối với bé không cắt bao quy đầu cần quan sát cách bé đi tiểu xem bao quy đầu có cản trở việc đi tiểu của bé hay không. Nếu khi tiểu tiện nước tiểu thường xuyên đọng lại và bé cảm thấy khó chịu khi đi tiểu thì bạn cần phải liên hệ với bác sĩ.
Vệ sinh vùng kín cho bé trai đã lộn bao quy đầu
Thông thường bao quy đầu của các bé trai sẽ tách dần ra khỏi đầu dương vật. Đến tuổi dậy thì bao quy đầu sẽ rút xuống dưới dương vật một cách tự nhiên mà không cần tác động. Một vài bé trai bao quy đầu có thể tách ngay khi sinh hoặc trước khi sinh.
Một số bé bao quy đầu không thể tự tách ra cho tới tuổi dậy thì. Vì vậy các bé sẽ tiến hành các thủ thuật để tách bao quy đầu. Dưới đây sẽ là cách vệ sinh bao quy đầu cho bé trai đã lộn bao quy đầu và cho các bé trai sau khi phẫu thuật lột bao quy đầu.
Các bé tự lột bao quy đầu đã bước sang lứa tuổi có thể tự vệ sinh. Các ông bố bà mẹ nên dạy cho con trai cách tự vệ sinh bao quy đầu theo các bước như sau:
- Nhẹ nhàng kéo bao quy đầu đang ở gốc dương vật lên.
- Rửa sạch phần dưới bao quy đầu bằng nước ấm vừa phải hoặc xà phòng dịu nhà.
- Sau khi vệ sinh thì kéo bao quy đầu trở lại dương vật.
Chăm sóc, vệ sinh cho các bé sau khi cắt bao quy đầu:
- Sau khi thực hiện tiểu phẫu cắt bao quy đầu thì vùng đầu dương vật sẽ được bảo vệ khỏi các tác động từ nước tiểu và phân trong tã bằng một lớp sáp dưỡng ẩm và băng gạc. Cần phải giữ gạc trong 2 ngày sau khi tiểu phẫu.
- Trong quá trình giữ gạc thì cần thay gạc và bôi sáp mới khi thay tã.
- Sau 2 ngày thì dương vật của bé đã bắt đầu hồi phục. Lúc này các mẹ chỉ cần bôi một lớp sáp mỏng để bảo vệ đầu dương vật tránh khỏi các tác động của vi khuẩn. Thay tã thường xuyên hơn để vùng kín của bé được thông thoáng. Lúc này có thể sử dụng các loại xà phòng hoặc sữa tắm dịu nhẹ để vệ sinh xung quanh dương vật và bìu cho bé.
- Các mẹ cần phải chú ý tới các biểu hiện lạ xuất hiện ở vùng kín sau khi cắt bao quy đầu như: bé bị bí tiểu, vết thương bị chảy máu, dương vật bị sưng to bé đi tiểu bị đau nhiều ngày, đầu dương vật chảy dịch hôi,… Lúc này các mẹ cần liên hệ với bác sĩ để thăm khám cho bé.
Bên cạnh việc vệ sinh thì các ông bố bà mẹ cần phải lưu ý các cách chăm sóc vùng kín của bé sau khi lộn bao quy đầu như sau:
- Đối với các bé lớn thì việc lựa chọn quần lót là vô cùng quan trọng. Không nên mặc những đồ quá bó sát. Sau khi vận động ra nhiều mồ hôi cần phải thay quần áo.
- Các bé nhỏ cần phải được thay tã thường xuyên hơn. Thường xuyên tắm rửa cho bé sau khi thay tã.
- Không được rửa bao quy đầu bằng tăm bông, chất sát khuẩn hay xối nước rửa quá mạnh.
Thận trọng với các triệu chứng ở vùng kín của bé trai sơ sinh
Thông thường các vấn đề gặp phải tại vùng kín của các bé gái thường nhiều và phức tạp hơn các bé trai. Tuy nhiên không vì thế mà các mẹ có thể lơ là. Nếu các bé trai gặp các triệu chứng sau tại vùng kín các bậc cha mẹ cần phải đưa trẻ tới bác sĩ để được thăm khám.
- Bất thường trong việc đi tiểu: Đi tiểu ngắt quãng, nước tiểu thường xuyên bị đọng lại, bí tiểu. Màu nước tiểu đục, đỏ hoặc có mùi hôi.
- Dương vật bị sưng đỏ có dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Sau khi cắt bao quy đầu vết thương bị chảy máu, chảy dịch vàng hoặc dương vật sưng to.
- Trẻ bị đau mỗi lần đi tiểu tiện.
- Xuất hiện mụn rộp xung quanh vùng kín, nổi mẩn đỏ xung quanh vùng kín( cần phân biệt với hăm tã).
Lưu ý trong quá trình vệ sinh vùng kín cho bé trai
Chăm sóc vệ sinh vùng kín cho các bé trai thường dễ dàng hơn. Trong năm đầu đời hầu hết việc vệ sinh đều do phụ huynh thực hiện. Khi trẻ lớn dần các bé trai thường ít để phụ huynh vệ sinh vì thế việc hướng dẫn cho bé vệ sinh đúng cách là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý cho các bậc phụ huynh khi vệ sinh và hướng dẫn cho các bé trai.
- Tuyệt đối không được tự ý kéo bao quy đầu của bé trai. Bởi bao quy đầu có thể tự lột trong vài năm tới. Nếu bao quy đầu không tự lột thì cần phải thực hiện các tiểu phẫu.
- Sử dụng sữa tắm chuyên dụng cho trẻ sơ sinh. Các sữa tắm này được sử dụng riêng cho làn da nhạy cảm của các bé. Không được sử dụng các loại chất tẩy rửa, đặc biệt là dùng cho bao quy đầu.
- Để lau khô người cho các bé sơ sinh nên sử dụng các loại khăn mềm, thấm tốt nhẹ nhàng thấm khô người bé.
- Hạn chế việc mặc tã hoặc thay tã cho bé thường xuyên.
- Lựa chọn quần áo thoáng mát, mềm mịn cho bé.
- Chú ý các biểu hiện bất thường vùng sinh dục ở bé.
Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái
Cách vệ sinh vùng kín cho các bé gái thường phức tạp hơn. Vùng kín của bé gái nếu không được vệ sinh đúng cách có thể dẫn tới tổn thương bộ phận sinh dục và khả năng sinh sản sau này của bé. Việc vệ sinh cho bé gái không chỉ vệ sinh bên ngoài mà phải làm sạch ở bên trong phần môi lớn, môi nhỏ.
Hướng dẫn cách vệ sinh vùng kín hằng ngày cho bé gái
Các bước vệ sinh vùng kín cho các bé sơ sinh và bé gái nhỏ tuổi.
- Sử dụng nước ấm khoảng 30 đến 35 độ để rửa vùng kín cho bé. Tay của mẹ cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi rửa vùng kín cho bé.
- Dùng khăn xô mềm nhúng vào nước ấm rồi quấn vào đầu ngón tay trỏ lau sạch xung quanh vùng kín rồi vệ sinh sạch sẽ môi lớn, môi nhỏ và các nếp gấp ngoài âm đạo.
- Sau đó dùng khăn mềm thấm xung quanh âm đạo của bé từ các nếp gấp đến bên ngoài.
Lưu ý khi vệ sinh vùng kín bé gái sơ sinh
Lau nhẹ nhàng vùng kín của bé gái bằng bông gòn sạch hoặc khăn xô mềm, không nên dùng các khăn cứng, thô ráp có thể làm tổn thương vùng kín của bé.
Lau theo chiều từ vùng kín sau đó giặt sạch rồi lau ra hậu môn. Không được lau theo chiều ngược lại có thể khiến các vi khuẩn từ hậu môn tấn công vào vùng kín.
Động tác rửa vùng kín chỉ thực hiện ở bên ngoài vùng kín và môi lớn, môi nhỏ của bé. Tuyệt đối không được thụt rửa quá sâu và trong âm đạo của bé.
Các mẹ trước khi lau rửa cho các bé nên sử dụng dầu dừa hoặc dầu oliu để làm mềm da, giúp các bé không bị đau khi lau rửa. Các loại dầu này lành tính với các bé gái.
Các mẹ nên thay tã thường xuyên cho bé, không nên để quá lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín. Cần vệ sinh vùng kín cho bé mỗi khi tắm, sau khi đi tiêu và sau khi thay tã.
Những dấu hiệu cảnh báo viêm nhiễm vùng kín ở bé gái sơ sinh
Khi xuất hiện các dấu hiệu dưới đây tại vùng kín của bé gái, có thể bé đã bị viêm nhiễm. Các mẹ cần phải đưa bé tới bác sĩ thăm khám để điều trị kịp thời.
- Vùng kín của bé bị hăm, ngứa, sưng đỏ. Bé bị đau và quấy khóc.
- Bé bị bệnh dính môi nhỏ dẫn tới nhiễm khuẩn đường tiểu với các biểu hiện như tiểu không thành dòng, chia nhiều tia.
- Vùng kín xuất hiện rôm, mẩn đỏ, mụn rộp li ti.
- Vùng kín của bé gái có mùi hôi, dịch màu bất thường.
Những dung dịch không nên sử dụng để vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh được khuyến cáo sử dụng nước hoặc sữa tắm, xà phòng lành tính với da của trẻ. Trẻ nên được hạn chế hết mức có thể sử dụng các chất hóa học, chất tẩy rửa trong những năm tháng đầu đời. Các dung dịch dưới đây không được sử dụng cho trẻ sơ sinh:
- Vệ sinh cho trẻ bằng nước lá chè, lá trầu không: Lá chè và lá trầu không được biết đến với tác dụng sát khuẩn nên nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng rửa vùng kín cho trẻ bằng nước lá này giúp vùng kín của bé sạch sẽ hơn. Tuy nhiên các nước lá tự chế này có thể khiến vùng kín của trẻ bị nhiễm khuẩn từ ngoài, mất cân bằng độ pH và kích ứng.
- Nước muối đặc: Nước muối làm mất cân bằng độ pH. Các mẹ không nên vệ sinh bằng nước muối cho bé, đặc biệt là các bé gái.
- Các loại sữa tắm thông thường: Các loại sữa tắm thường có các chất tẩy rửa không được sử dụng trên các bé. Các loại sữa tắm dịu nhẹ và lành tính cho da bé cũng chỉ được sử dụng cho vùng xung quanh cơ quan sinh dục.
- Nước rửa phụ khoa: Tuyệt đối không được sử dụng dung dịch vệ sinh của mẹ dành cho bé gái do nó làm mất cân bằng pH âm đạo của bé.
- Các chất tẩy rửa, sát khuẩn.