Tưa lưỡi hay còn gọi là bệnh nấm lưỡi nguyên nhân thường gặp do vi nấm Candida Albicans. Bệnh tưa lưỡi ở trẻ nhỏ không nguy hiểm và hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian. Tuy nhiên nếu trẻ không được phát hiện và điều trị sớm thì nấm lưỡi có thể tiến triển thành viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy,..
Tưa lưỡi là gì ? Nguyên nhân gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh
- Tưa lưỡi là bệnh lý khoang miệng nguyên nhân chính là do vi nấm Candida Albicans hình thành các mảng trắng bao phủ trên toàn bộ lưỡi và lan sang các vùng trong khoang miệng như má, môi và cổ họng.
- Tưa lưỡi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu ớt và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh tưa lưỡi ở trẻ nhỏ:
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch: Trẻ có hệ miễn dịch yếu ớt bẩm sinh, đang sử dụng thuốc làm suy giảm miễn dịch như corticoid, trẻ mắc các bệnh lý về hệ miễn dịch như HIV, ung thư,…
- Trẻ sử dụng thuốc không đúng cách gây bội nhiễm nấm: Dùng corticoid đường hít không súc miệng sau khi sử dụng, lạm dụng kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong cơ thể.
- Từ sinh lý: Trẻ thường xuyên bị khô miệng, ăn các thức ăn cay nóng,..
- Nhiễm nấm từ mẹ: Mẹ bị nhiễm nấm sinh dục lây sang trẻ khi chuyển dạ, mẹ nhiễm nấm ở vùng đầu ti.
Cách xử trí khi trẻ bị tưa lưỡi
Đa số trẻ bị tưa lưỡi có thể điều trị bằng các thuốc đông y hoặc thuốc chống nấm trong vòng 5 đến 7 ngày là có thể khỏi. Tuy nhiên nếu trường hợp trẻ phát hiện muộn do bố mẹ nhầm lẫn với một bệnh lý nào khác có thể khiến việc chữa trị cho bé trở nên phức tạp hơn.
Với trường hợp nấm lưỡi nhẹ
- Biểu hiện của trẻ bị nấm lưỡi nhẹ: Có các đốm trắng xuất hiện ở đầu lưỡi hoặc đã hình thành các mảng trắng trên lưỡi khi cạy ra thì chảy máu và xuất hiện các nốt đỏ.
- Đối với trẻ bị nấm lưỡi nhẹ thì chưa nhất thiết phải dùng thuốc kháng nấm mà chỉ cần vệ sinh vùng khoang miệng đang bị nấm kết hợp với đánh tưa lưỡi có thể khỏi hoàn toàn.
- Khi tưa lưỡi các mẹ có thể sử dụng dung dịch tưa lưỡi là thuốc chống nấm, dung dịch nước muối 0.9%. Thực hiện mỗi ngày 4 lần trước khi ăn 30 phút và trước khi ngủ.
- Ngoài việc đánh tưa lưỡi thì đối với trẻ có nguy cơ hoặc mới mắc tưa lưỡi thì các mẹ có thể cho bé súc miệng với các chất sát khuẩn như nước muối sinh lý hoặc dung dịch iod povidine 1% hàng ngày. Với trẻ chưa thể tự súc miệng có thể dùng gạc thấm dung dịch sát khuẩn trên để lau miệng cho trẻ.
Sử dụng thuốc trong trường hợp trẻ tưa lưỡi nặng
- Biểu hiện của nấm lưỡi nặng ở trẻ nhỏ như nấm miệng lan ra ở cổ họng, má, môi, kết mảng dày trên lưỡi. Nặng nhất là khi nấm gây nên bệnh viêm phế quản, viêm phổi và nấm đường tiêu hóa.
- Đối với trường hợp trẻ bị tưa lưỡi nặng phải sử dụng thuốc điều trị nấm. Hai thuốc điều trị nấm hay được sử dụng nhiều nhất hiện nay trên trẻ nhỏ là miconazol và nystatin. Đối với trẻ nhiễm nấm tấn công vào phổi hay đường tiêu hóa phải sử dụng thuốc chống nấm toàn thân như fluconazol và itraconazole.
- Miconazole: Sử dụng dạng gel 2% bôi trực tiếp trên lưỡi và các vùng nhiễm nấm trong khoang miệng.
- Nystatin: Dụng viên hoặc bột pha để rơ lưỡi.
- Fluconazol và itraconazole là thuốc kháng nấm toàn thân không được tự ý sử dụng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Thuốc kháng nấm toàn thân chỉ được sử dụng khi trẻ bị nhiễm nấm nặng với biểu hiện như trẻ bỏ bú, đau nhiều và nấm tấn công vào nội tạng trong cơ thể.
Điều trị tưa lưỡi tại nhà bằng phương pháp dân gian
Các phương pháp dân gian được sử dụng để phòng ngừa hoặc điều trị cho trẻ bị nấm lưỡi ở giai đoạn sớm của bệnh.
Trị tưa lưỡi cho bé bằng rau ngót
Trong thành phần của rau ngót có chứa các hoạt chất kháng viêm kháng khuẩn tự nhiên giúp làm giảm triệu chứng của nhiễm nấm miệng. Ngoài ra trong thành phần của rau ngót có chứa vitamin và các nguyên tố vi lượng giúp nâng cao hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ.
- Nguyên liệu: Một nắm rau ngót đã rửa sạch với nước muối loãng.
- Cách tiến hành: Đem rau ngót đã rửa sạch vò nát, thêm một chút muối và đun với nước đến sôi. Khi sôi thì tắt bếp để nguội. Dùng nước rau ngót để rơ lưỡi cho trẻ hàng ngày.
- Phương pháp này để điều trị nấm miệng cho trẻ trên 5 tháng tuổi.
Trị tưa lưỡi cho bé bằng trà xanh
Trong thành phần của lá trà xanh có chứa lượng lớn hoạt chất nhóm polyol có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm rất tốt.
- Chuẩn bị: Lá trà xanh không quá già cũng không quá non. Nên lựa những lá không bị sâu đem rửa qua với nước muối loãng.
- Cách tiến hành: Đem xay hoặc giã lá trà xanh với 1 ít muối, thêm nước rồi lọc thu nước cốt. Nước cốt trà xanh được dùng để rơ lưỡi cho trẻ.
Lưu ý khi sử dụng nước lá trà xanh rơ lưỡi cho trẻ:
- Chỉ nên thêm 1 vài hạt muối để đủ tác dụng sát khuẩn, cho nhiều muối gây kích ứng niêm mạc lưỡi.
- Nước cốt trà xanh phải sử dụng trong ngày do dễ bị oxy hóa.
Trị tưa lưỡi cho bé bằng nước muối
Sử dụng nước muối sinh lý để trị tưa lưỡi cho trẻ là phương pháp được nhiều bác sĩ khuyến khích khi ở giai đoạn nhẹ của bệnh.
- Cách tiến hành: Có thể sử dụng nước muối sinh lý để rơ lưỡi hoặc súc miệng hàng ngày cho trẻ( đối với trẻ lớn tuổi).
- Bạn hoàn toàn có thể tự pha nước muối sinh lý tại nhà bằng muối tinh trắng. Tuy nhiên rất khó đảm bảo vệ sinh và nồng độ phù hợp để pha chính xác được nước muối sinh lý. Vì vậy các chuyên gia sức khỏe vẫn khuyên bạn nên sử dụng nước muối sinh lý sẵn có.
Sử dụng thuốc muối dạ dày Natri bicarbonat trị tưa lưỡi cho bé
- Theo nhiều nghiên cứu thì Natri bicarbonat có khả năng gây chết vi khuẩn và vi nấm. Vì thế bên cạnh tác dụng điều trị bệnh lý dạ dày thì Natri bicarbonat còn được sử dụng để nước súc miệng điều trị nấm miệng. Tác dụng điều trị nấm miệng ở trẻ bằng cách sử dụng đơn độc Natri bicarbonat chưa rõ ràng. Tuy nhiên rất nhiều kết quả tích cực trên trẻ nhỏ sử dụng Natri bicarbonat trong giai đoạn đầu điều trị tưa lưỡi.
- Cách sử dụng: Lấy muối Natri bicarbonat hòa trong nước đun sôi để nguội. Sau đó dùng tăm bông thấm lên các vùng bị nấm miệng. Nên bôi thêm các vùng xung quanh khoang miệng để làm sạch.
Tinh dầu hạt bưởi
- Tinh dầu có trong hạt bưởi là một trong số ít tinh dầu có tác dụng chống nấm, điều trị các bệnh trên da và niêm mạc.
- Cách tiến hành: Nhỏ một vài giọt tinh dầu bưởi vào trong nước sau dùng dung dịch này để tưa lưỡi hoặc súc miệng cho bé.
Lưu ý:
- Tuyệt đối không được sử dụng trực tiếp trên niêm mạc lưỡi do có thể gây bỏng niêm mạc.
- Đối với trường hợp nấm lưỡi có chảy máu hay bong mảng trắng thì không nên sử dụng.
Hướng dẫn các bước rơ lưỡi cho trẻ tại nhà
Đây là cách rơ lưỡi cho trẻ nhỏ tại nhỏ. Đối với việc sử dụng thuốc chống nấm để rơ lưỡi chỉ được thực hiện khi được chỉ định từ bác sĩ.
Cách đánh tưa lưỡi cho bé:
- Bước 1: Sử dụng các dụng cụ tiệt trùng và rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi đánh tưa lưỡi cho bé.
- Bước 2: Cho bé nằm trên giường hoặc bế trẻ.
- Bước 3: Dùng gạc vô trùng quấn vào ngón tay trỏ rồi nhúng vào bột pha nystatin. Cho trẻ há miệng rộng, không nên để đầu trẻ bị ngửa ra sau có thể khiến thuốc chảy vào trong họng.
- Bước 4: Đưa ngón tay tẩm thuốc trị nấm lên trên lưỡi của trẻ kéo từ trong ra ngoài. Sau đó lặp lại thao tác để đánh tưa lưỡi một lần nữa.
- Bước 5: Thay một gạc khác lau ở trong khoang miệng của trẻ để phòng tránh lây lan nấm trong khoang miệng.
Lưu ý trong quá trình điều trị tưa lưỡi cho trẻ
- Khi điều trị tưa lưỡi cho trẻ bằng thuốc hay bằng các hình thức vệ sinh lưỡi bằng cách tưa lưỡi thì cần phải được sự thăm khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa nhi. Các mẹ không nên tự chẩn đoán và tự điều trị tại nhà vô cùng nguy hiểm. Sau đây là một số lưu ý khi điều trị tưa lưỡi cho trẻ tại nhà.
Lưu ý khi tưa lưỡi cho trẻ
- Bất kỳ hình thức tưa lưỡi hay súc miệng có sử dụng thuốc chống nấm trên trẻ phải tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Khi thực hiện tưa lưỡi nên nhẹ nhàng không được cậy các mảng bám có thể gây chảy máu và đau đớn cho trẻ.
- Kéo một đường dứt khoát từ trong ra ngoài trên bề mặt lưỡi. Không nên di qua di lại có thể khiến các mảng chứa vi nấm rơi vào trong cổ họng bé.
- Không đưa tay vào quá sâu và tưa lưỡi quá sát giờ ăn của trẻ có thể khiến bé nôn trớ. Tốt nhất nên đánh tưa lưỡi trước ăn 30 phút đến 1 giờ.
- Đánh tưa lưỡi có thể sử dụng nước muối loãng, dung dịch sát khuẩn povidon 1%. Không sử dụng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ dưới 1 tuổi do có thể gây ngộ độc.
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tại chỗ nấm miệng cho trẻ
- Khi điều trị thuốc cần quan sát đáp ứng của bé với thuốc. Nếu không đáp ứng thì cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ về việc đổi phác đồ điều trị.
- Đối với mẹ bị nấm nên điều trị song song với trẻ.
- Khi bôi thuốc cho trẻ cần bôi nhẹ nhàng không cạy các mảng trắng trên lưỡi bé do có thể gây đau hoặc nhiễm khuẩn.
- Để đạt hiệu quả tốt nhất thì nên kết hợp điều trị bằng thuốc với vệ sinh khoang miệng như súc miệng hay rơ lưỡi.
Phòng ngừa tưa lưỡi cho trẻ
Phòng ngừa tưa lưỡi ở trẻ như sau:
- Thường xuyên vệ sinh khoang miệng cho trẻ: Súc miệng sau ăn hoặc bú, vệ sinh khoang miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
- Các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với miệng trẻ như đồ chơi, bát đĩa, bình sữa cần được vệ sinh sạch sẽ.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua thực phẩm bổ sung.
- Không hôn trẻ do có thể truyền vi khuẩn và nấm từ miệng người lớn sang.
- Điều trị nấm cho mẹ: Đối với mẹ bị nấm âm đạo cần phải điều trị khỏi hoàn toàn trước khi sinh em bé. Mẹ bị nấm đầu ti cần điều trị bằng thuốc và lau sạch trước khi cho trẻ bú.
Video đánh tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh
Video hướng dẫn cách đánh tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà.