Hướng dẫn làm sữa chua từ sữa mẹ đúng cách và an toàn nhất

Một trong những cách để giúp trẻ ăn nhiều là thay đổi cách thức dùng sữa mẹ, tạo nên sự mới lạ về vị giác và kích thích sự thèm ăn của bé. Hiện nay các công thức làm sữa chua từ sữa mẹ đang được nhiều mẹ truyền tai nhau. Mặc dù sữa mẹ được đánh giá là tiêu chuẩn vàng nuôi dưỡng con nhưng còn tùy vào cách làm sữa chua từ sữa mẹ mà lượng dinh dưỡng có thể mất đi hoặc được bảo toàn. Vậy làm thế nào để giữ được dinh dưỡng mà vẫn có sữa chua ngon lành cho bé. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Sữa chua làm từ sữa mẹ
Sữa chua làm từ sữa mẹ

Có nên làm sữa chua bằng sữa mẹ không?

Mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng khuyên trẻ nên dùng sữa mẹ những tháng đầu đời vì có nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ, thế nhưng sữa chua theo cách làm của các mẹ hiện nay khiến phần lớn các thành phần có ích cho trẻ bị mất đi. Chúng tôi đưa ra một cách thức được nhiều mẹ sử dụng để làm sữa chua cho bé, và cùng phân tích, mổ xẻ vấn đề để rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình, các bạn nhé!

Công thức làm sữa chua từ sữa mẹ gây tranh luận:

  • Bước 1. Tiệt trùng tất cả các dụng cụ làm sữa chua bao gồm: lọ thủy tinh đựng sữa chua, thìa khuấy, nhiệt kế, lọ đựng sữa mẹ…
  • Bước 2. Thanh trùng sữa mẹ trữ đông bằng cách đun sữa tới nhiệt độ 80 độ C (dùng nhiệt kế kiểm tra nhiệt độ), chỉ cho sữa sôi lăn tăn (chú ý  không để tăng nhiệt độ) rồi tắt bếp.

    Đun sữa tới 80 độ C
    Đun sữa tới 80 độ C
  • Bước 3. Để nguội sữa về nhiệt độ 40-45 độ C, có thể làm lạnh nhanh bằng cách ngâm nồi vào chậu nước lạnh hoặc nước đá.
  • Bước 4. Sau đó cho thêm ¼ hộp sữa chua không đường để làm men cái và 2 thìa cà phê đường vào. Khuấy nhẹ nhàng, đều tay cho tới khi sữa chua tan hết ( Lưu ý không khuấy mạnh làm ảnh hưởng tới những lợi khuẩn có trong sữa chua và sự hoạt động của các enzym trong sữa mẹ).
  • Bước 5. Chia đều sữa mẹ từ nồi vào các lọ thủy tinh đựng sữa, dùng màng bọc thực phẩm hoặc nắp nhựa, nắp thủy tinh bọc kín. Nếu có các bọt nhỏ lăn tăn, dùng thìa loại bỏ.
  • Bước 6. Xếp các lọ thủy tinh đựng sữa vào lòng nồi cơm điện đã đổ nước lọc (căn lượng nước đổ vào, tránh nhiều quá làm đổ lọ đựng sữa hoặc ít quá không đảm bảo được nhiệt độ ủ cần thiết). Bấm nút warm để ủ sữa trong thời gian khoảng 8 tiếng.

    Xếp các lọ sữa vào nồi
    Xếp các lọ sữa vào nồi
  • Bước 7. Kiểm tra độ sánh ( độ sệt của sữa chua), nếu lên men tốt, sữa sẽ có độ sánh gần bằng hộp sữa chua không đường rã đông đã sử dụng để làm men cái.

Sau đây chúng ta sẽ cùng phân tích những vấn đề không hợp khoa học trong cách làm sữa chua trên và đưa ra hướng làm hợp lý hơn. Lần lượt qua từng bước nhé.

Đầu tiên, ở bước 1, việc tiệt trùng các dụng cụ làm sữa chua là cần thiết. Rất có thể trong quá trình rửa sạch, bảo quản của chúng ta không hợp tiêu chuẩn vệ sinh, nguy cơ cao sẽ dính phải các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe của trẻ. Trong khi hệ vi khuẩn chí đường ruột của bé còn dễ bị mất cân bằng và miễn dịch đường tiêu hóa còn yếu. Chúng tôi tán thành việc khử trùng dụng cụ được chia sẻ ở công thức trên.

  • Thanh trùng sữa mẹ trữ đông ở nhiệt độ 80 độ C:
  • Sữa mẹ chỉ giữ được nguyên vẹn các chất dinh dưỡng trong 4 giờ ở nhiệt độ phòng, thời gian này có thể kéo dài hơn nếu ta bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn. Tuy nhiên hàm lượng chất dinh dưỡng sẽ mất dần theo độ dài thời gian bảo quản kể cả chúng ta có để sữa mẹ trong ngăn đông. Vì vậy để bảo toàn được dinh dưỡng trong sữa mẹ,chúng ta nên tiến hành làm sữa trong 4 giờ đầu sau khi sữa ra khỏi bầu ngực và sớm nhất có thể.

Sai lầm thứ 2 là chúng ta đun sữa tới nhiệt độ 80 độ C. Ở nhiệt độ này, hầu hết các kháng thể quý giá và 1 loại phospholipid có tên gọi là lecithin có trong sữa mẹ đều bị biến tính. Liệu chúng ta có thực sự hiểu được tại sao nuôi con bằng sữa mẹ lại thực sự quan trọng không? Dẫn chứng từ nguồn Pubmed.gov ( Thư việt Y học Quốc gia Hoa Kỳ tại Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ), các nhà khoa học khẳng định rằng, kháng thể có trong sữa mẹ giúp trẻ có được miễn dịch thụ động để chống lại các tác nhân gây bệnh, vì giai đoạn sau sinh, cơ thể bé còn yếu và hệ miễn dịch chưa phát triển mạnh. Lecithin là loại phospholipid quan trọng làm giảm tỷ lệ mỡ máu và mắc bệnh béo phì ở trẻ nhỏ. Vậy nếu làm mất kháng thể, lecithin vì đun sữa mẹ tới 80 độ C, liệu lợi ích này còn được đảm bảo? Câu trả lời là không. Vì vậy chúng ta chỉ cần đun sữa tới dưới 70 độ, chênh nhau 10 độ có thể tạo nên sự khác biệt lớn đấy các mẹ ạ!

Bước 3: Không có vấn đề gì.

Bước 4:

  • Chúng ta có thấy rất vô lý khi cho sữa chua không đường vào rồi lại thêm “2 thìa cà phê đường” không ạ? Nếu vậy chẳng thà chúng ta cho sữa chua có đường ngay từ ban đầu vào sẽ tiện hơn đúng không ạ?. Việc sử dụng sữa chua không đường ở đây là có nguyên do. Đường sẽ không tốt cho răng mới mọc của trẻ, hơn nữa đường cũng sẽ tạo ra cảm giác no lâu, khiến trẻ lười ăn. Như vậy việc cho đường vào sữa là sai lầm.
Không cần thêm đường vào sữa chua làm cho trẻ
Không cần thêm đường vào sữa chua làm cho trẻ

 

  • Chúng ta nên khuấy nhẹ, việc này đúng nhưng lý do để tránh tạo bọt, hoàn toàn không phải lý do khuấy mạnh sẽ khiến các lợi khuẩn trong sữa chua và các enzym trong sữa mẹ bị ảnh hưởng. Chúng đâu có mỏng manh, dễ vỡ như vậy. Trong số các tác nhân làm biến tính enzyme và vi khuẩn, chưa có nhà khoa học hay sách báo tài liệu nào nhắc tới việc lực khuấy của tay có thể làm hỏng chúng. Vì vậy chúng ta cũng đừng rón rén khuấy sao cho nhẹ nhất có thể nhé, chỉ cần nhẹ nhàng mức độ vừa phải thôi, nếu mạnh quá thì chúng ta có thể lấy thìa gạt bọt ra, không có vấn đề gì.

Bước 5: không có vấn đề.

Bước 6: Nếu chúng ta dùng màng bọc thực phẩm hoặc nắp lọ bằng nhựa, nhiệt độ ủ trong nồi cơm điện có thể biến chúng thành những chất độc có hại cho sức khỏe của bé. Và liệu nhiệt độ ở chế độ ủ ấm có đảm bảo 40-45 độ C? Nếu không yên tâm, chúng ta có thể thay đổi phương án. Việc quan trọng nhất của ủ sữa chua là phải duy trì được nhiệt độ, lòng nồi cơm điện làm bằng kim loại, rất dễ thoát nhiệt. Nếu chúng ta cứ để nồi cơm điện không, nhiệt độ ủ sẽ bằng với nhiệt độ phòng tức là dưới 40 độ ( tính theo ngày nắng nhất khí hậu Việt Nam). Cần phải bao nồi cơm điện bằng bông dày để ổn định nhiệt độ 40-45 độ C.

Bước 7: không có vấn đề gì.

Tham khảo thêm: Mấy tháng bé mọc răng? Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ

Hướng dẫn cách làm sữa chua bằng sữa mẹ an toàn nhất

Sau khi phân tích, mổ xẻ những lỗi sai mà các mẹ có thể gặp phải trong quá trình làm sữa chua từ sữa mẹ, chúng ta sẽ đi tới bước tổng hợp cách làm sao cho khoa học nhất nhé!

  • Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ bao gồm: sữa mẹ( dưới 4 tiếng tính từ thời gian ra khỏi bầu ngực), 1 hộp sữa chua không đường, 1 lọ đựng sữa mẹ tốt nhất bằng thủy tinh, 3 lọ thủy tinh đựng sữa, 1 chiếc thìa, 1 lòng nồi cơm điện hoặc bất cứ vật gì tạo lòng chứa đủ 3 lọ thủy tinh.
  • Tiệt trùng dụng cụ làm sữa chua: đun sôi nước rồi nhúng thìa, lọ thủy tinh, lọ đựng sữa mẹ vào trong khoảng 30s-1 phút.
  • Đun sữa tới dưới 70 độ C rồi tắt bếp
  • Để nguội sữa về nhiệt độ 40-45 độ C, có thể làm lạnh nhanh bằng cách ngâm nồi vào chậu nước lạnh hoặc nước đá.
  • Sau đó cho thêm ¼ hộp sữa chua không đường để làm men cái. Khuấy nhẹ nhàng đều tay để sữa chua tan đều vào sữa mẹ.
  • Chia đều sữa mẹ từ nồi vào các lọ thủy tinh đựng sữa, dùng màng bọc thực phẩm hoặc nắp nhựa, nắp thủy tinh bọc kín. Nếu có các bọt nhỏ lăn tăn, dùng thìa loại bỏ.
  • Xếp các lọ thủy tinh đựng sữa vào lòng nồi cơm điện đã đổ nước lọc (căn lượng nước đổ vào, tránh nhiều quá làm đổ lọ đựng sữa hoặc ít quá không đảm bảo được nhiệt độ ủ cần thiết). Bao quanh lòng nồi cơm điện một lớp bông dày (có thể dùng chăn bông). Tiến hành ủ trong 8 tiếng.
  • Kiểm tra độ sánh ( độ sệt của sữa chua), nếu lên men tốt, sữa sẽ có độ sánh gần bằng hộp sữa chua không đường rã đông đã sử dụng để làm men cái.
  • Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Khi cho bé ăn, nên hâm lại ở tầm nhiệt độ 40 độ để tránh làm lạnh đột ngột hệ tiêu hóa của trẻ.

    Cách làm sữa chua từ sữa mẹ an toàn
    Cách làm sữa chua từ sữa mẹ an toàn

Sữa mẹ thường bị tách nước, vì vậy khi sử dụng, chúng ta chỉ cần lấy thìa đảo đều là có thể cho bé ăn được rồi.

Lưu ý khi làm sữa chua bằng sữa mẹ

  • Nhiệt độ có ảnh hưởng lớn tới sự thành công của quá trình làm sữa chua, vì vậy chúng ta nên kiểm soát nhiệt độ bằng 1 chiếc nhiệt kế.
  • Không nên làm sữa chua từ sữa của mẹ khác vì rất khó để kiểm soát được các thành phần có trong đó, ví dụ người đó uống thuốc, mắc virus HIV mà chúng ta không hề hay biết, điều đó thật sự rất nguy hiểm.
  • Khi mới cho trẻ ăn sữa chua, cần theo dõi các phản ứng của trẻ. Có thể đường tiêu hóa của bé sẽ có vấn đề như tiêu chảy, buồn nôn nếu quá trình làm sữa chua chưa được vô khuẩn, một số thành phần gây dị ứng trong sữa chua đối với cơ địa của bé cũng có thể là nguyên nhân.
  • Sản phẩm nếu không dùng hết tốt nhất nên đậy kín nắp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Chỉ sử dụng sữa tối đa trong khoảng 2 ngày, hàm lượng dinh dưỡng những ngày sau sẽ giảm dần hoặc biến đổi, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
  • Nên cho trẻ ăn sau bữa chính (nếu trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm) khoảng 20 phút để kích thích tiêu hóa, giúp trẻ dễ tiêu.

Hi vọng sau khi đọc được bài viết, các mẹ đã nắm được cách làm sữa chua từ sữa mẹ để đạt được tiêu chí: vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa an toàn, lại thơm ngon để kích thích sự thèm ăn của bé. Chúc thiên thần nhỏ của các mẹ mau ăn chóng lớn!