Sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên ở thời điểm giao mùa khi khí hậu thay đổi, trẻ hay gặp phải một số vấn đề sức khỏe. Một bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ khi giao mùa đó là sốt siêu vi. Trong bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ có thêm hiểu biết về sốt siêu vi để các có thể nhận biết và bảo vệ con khỏi bệnh lý này.
Nguyên nhân gây sốt siêu vi ở trẻ em
Sốt siêu vi (sốt virus) là tình trạng trẻ bị sốt do nhiễm phải các loại virus như virus cúm, enterovirus, rhinovirus,… Trẻ dễ nhiễm bệnh do hệ miễn dịch còn yếu dẫn tới khả năng đề kháng các loại virus này còn kém. Đặc biệt bệnh xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa, do đây là lúc virus sinh sôi và phát triển mạnh nhất. Đồng thời do khí hậu biến đổi đột ngột làm tế bào bạch cầu của trẻ khó thích ứng kịp càng làm cho virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của trẻ.
Dấu hiệu của sốt siêu vi ở trẻ
Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý có sốt khác, như sốt xuất huyết. Do vậy tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời. Một số triệu chứng điển hình ở trẻ bị sốt siêu vi:
Sốt cao trên 37.5 độ
Đây được xem là một trong những dấu hiệu xuất hiện đầu tiên khi trẻ bị sốt siêu vi. Nếu tình trạng bệnh nặng trẻ có thể sốt cao đến 39-40 độ C, sốt ngắt quãng hoặc kéo dài liên tục. Khi trẻ sốt quá cao có thể xảy ra tình trạng co giật hoặc hôn mê rất nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Sau tầm 5 ngày, tình trạng sốt của trẻ sẽ thuyên giảm và có thể hết sốt vào ngày thứ 7. Do tình trạng sốt cao nên trẻ thường hay quấy khóc, khó chịu.
Rối loạn tiêu hóa
Bên cạnh những triệu chứng trên trẻ thường kèm theo tình trạng rối loạn tiêu hóa. Trẻ hay bị đau bụng buồn đi vệ sinh, đi ngoài phân lỏng. Đồng thời trẻ cũng hay cảm giác buồn nôn, nôn.
Xuất hiện triệu chứng viêm đường hô hấp
Trẻ sốt siêu vi thường có các biểu hiện trên đường hô hấp như: ngứa họng, ho, ngạt mũi, hắt hơi,… Đây cũng được xem là những dấu hiệu điển hình của bệnh, tuy nhiên có thể gây nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác.
Nổi ban đỏ khắp cơ thể
Không phải tất cả trẻ bị sốt siêu vi đều gặp triệu chứng này, chỉ trong một số trường hợp trẻ sẽ bị phát ban khắp cơ thể. Thường thì ban sẽ xuất hiện khi sốt sau 2-3 ngày, do sốt kéo dài thân nhiệt luôn ở mức cao làm các mẩn đỏ li ti nổi lên.
Sốt siêu vi ở trẻ có nguy hiểm không?
Thông thường sốt siêu vi thường khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên sức đề kháng của trẻ còn kém nên cha mẹ không được chủ quan, do việc chăm sóc không đúng cách sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Do vậy cần phòng bệnh ngay từ đầu và nếu có các dấu hiệu bệnh nên đưa trẻ đến khám tại các trung tâm y tế để được điều trị phù hợp.
Sốt siêu vi có lây không? Lây qua con đường nào ?
Sốt siêu vi dễ dàng lây từ người sang người, hai con đường lây nhiễm chủ yếu của bệnh là hô hấp và tiêu hóa.
- Hô hấp: thông qua các hoạt động giao tiếp thường ngày, hoặc khi người bệnh hắt hơi hay ho và trẻ hít phải các giọt dịch li ti này làm virus xâm nhập vào cơ thể.
- Tiêu hóa: khi trẻ ăn phải các thức ăn hoặc đồ uống có nhiễm virus
- Ngoài ra trẻ có thể bị lây nhiễm gián tiếp qua việc tiếp xúc với các đồ vật mang virus
Cách chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi tại nhà
Hạ sốt
Hạ sốt là việc đầu tiên các mẹ cần làm khi thấy con có sốt (thường từ 38 độ C), do nếu để trẻ sốt quá cao có thể dẫn tới co giật rất nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên các mẹ cần đảm bảo sử dụng đúng liều lượng ghi trên nhãn, không được sử dụng quá liều. Ngoài ra các mẹ có thể sử dụng khăn ấm để lau người cho trẻ cũng là một biện pháp để hạ sốt tạm thời
Cho trẻ uống thuốc kê đơn
Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể kê cho trẻ một số loại thuốc như thuốc bổ sung kẽm, thuốc ngừa tiêu chảy,.. để đẩy lui các triệu chứng bệnh giúp giảm cảm giác mệt mỏi của trẻ.
Bổ sung nước và chất điện giải
Khi bị sốt, thân nhiệt tăng cao làm trẻ đổ nhiều mồ hôi để loại bớt nhiệt, từ đó khiến trẻ dễ bị mất nước. Ngoài ra một số trẻ còn bị nôn mửa, tiêu chảy làm tăng thêm tình trạng mất nước và mất điện giải. Lúc này các mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước và các dung dịch điện giải để bù đắp phần nước và điện giải bị mất.
Tạo cơ hội Cho trẻ nghỉ ngơi
Trẻ bị sốt siêu vi thường mệt mỏi, khó chịu trong người vì vậy cha mẹ nên để trẻ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh để trẻ vận động nhiều.
Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ
Ăn uống đủ chất sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, từ đó bệnh sẽ nhanh được đẩy lùi. Các mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp,… Đồng thời nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin.
Khi nào cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ?
Sốt siêu vi thường dễ điều trị khỏi, tuy nhiên nếu cha mẹ không biết chăm sóc trẻ đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm với các triệu chứng như: Sốt theo từng cơn kèm theo co giật, trẻ có thể bị hôn mê gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Vì vậy ngay khi có các triệu chứng sau thì cha mẹ cần đưa trẻ tới khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời:
- Sốt cao liên tục 2 ngày không giảm kèm theo chân tay lạnh run
- Đau bụng, buồn nôn, nôn
- Cơ thể nổi mẩn đỏ
- Đi đại tiện có máu, phân đen, thối
- Trẻ hay bị giật mình
- Trẻ thở nhanh, khó thở
Trẻ bị sốt siêu vi sau bao lâu thì khỏi
Thông thường các triệu chứng điển hình của sốt siêu vi như sốt cao, ho, ngạt mũi, mệt mỏi,… sẽ giảm sau 3-5 ngày. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau 7-10 ngày tùy từng trẻ.
Phòng ngừa sốt siêu vi cho trẻ
Để phòng ngừa sốt siêu vi cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý một vài điều sau:
- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ
- Luôn để nhà cửa trong tình trạng sạch sẽ, thoáng mát để tránh sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh
- Vào thời điểm dịch bệnh, hạn chế cho trẻ đến nơi đông người
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên lau sạch sẽ đồ dùng và đồ chơi của trẻ
- Tiêm phòng vacxin đầy đủ
Một số câu hỏi thường gặp liên quan tới sốt siêu vi ở trẻ
Trẻ bị sốt siêu vi nên ăn quả gì?
- Các loại trái cây tươi có chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ như cam, quýt, dưa hấu, bưởi, dứa,… Đồng thời các trái cây thuộc họ cam quýt trong thành phần có nhiều flavonoid giúp giảm sưng viêm và tăng cường miễn dịch.
- Chuối: Trẻ bị sốt siêu vi thường bị mất kali do đổ nhiều mồ hôi, nôn và ỉa chảy. Ăn nhiều chuối giúp trẻ bổ sung lương kali bị mất
Sốt siêu vi có kiêng tắm không?
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ bị ốm, sốt không nên tắm cho trẻ do sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm do khi trẻ sốt sẽ tăng tiết mồ hôi. Nếu không được tắm trẻ sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh da liễu. Ngoài ra tắm còn giúp trẻ mau chóng hạ thân nhiệt, giảm tình trạng sốt cao. Tuy nhiên không nên tắm quá lâu cho trẻ và khi tắm phải đảm bảo phòng kín gió để tránh trẻ bị nhiễm lạnh.