Mọc răng chính là cột mốc đầu tiên trong đời bé đánh dấu bước chuyển từ giai đoạn bú sữa sang giai đoạn ăn dặm. Trẻ thường nhú những chiếc răng sữa đầu tiên trong 1 năm đầu đời. Tuy nhiên không phải tất cả các trẻ đều có thời điểm mọc răng đầu tiên giống nhau. Mọc răng sớm hay chậm đều tùy thuộc vào sự phát triển của cơ thể bé. Có nhiều bé khi đã 6 tháng vẫn chưa mọc răng thì các bà mẹ cũng không nên quá lo lắng. Để biết được quá trình mọc răng của trẻ trong những năm đầu đời, bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Mấy tháng trẻ bắt đầu mọc răng sữa ?
Mọc răng giúp cho cơ hàm của trẻ bắt đầu được hoạt động và tập nhai nhiều hơn, do đó lúc này nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng có phần tăng lên.
Thời gian mọc răng và quá trình mọc răng ở tất cả các trẻ là không giống nhau. Thông thường, trẻ sẽ nhú chiếc răng sữa đầu tiên khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Nhưng cũng có những trường hợp trẻ chỉ mới 4 tháng tuổi đã mọc răng rồi. Điều này phụ thuộc vào thời gian nằm trong bụng mẹ và điều kiện chăm sóc khi được ra đời và phụ thuộc vào chính cơ thể trẻ. Khi đủ 3 năm đầu đời, trẻ thường có khoảng 20 chiếc răng sữa để đáp ứng đầy đủ cho việc ăn và nhai. Khi trẻ được 6 tháng tuổi mà bé vẫn chưa mọc răng, thì có thể 1 hoặc 2 tháng nữa bé sẽ mọc răng nên bố mẹ không phải quá lo lắng. Nếu bé đã được 1 tuổi nhưng có dấu hiệu mọc răng thì khi này, việc đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám là cần thiết. Có thể có những cản trở khiến cho răng bé không thể nhô ra được như hiện tượng “nướu trùm” nhưng không hề nguy hiểm, chỉ cần 1 thủ thuật nhỏ là răng bé có thể mọc ra nhanh và đều đặn.
Lịch mọc răng của trẻ
Độ tuổi từ 6 tháng -19 tháng tuổi
- Từ 6 tháng tuổi đến 10 tháng tuổi: bé sẽ mọc 2 chiếc răng cửa hàm dưới.
- Từ 8 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi: bé sẽ mọc tiếp 2 chiếc răng cửa hàm trên.
- Từ 9 tháng tuổi đến 13 tháng tuổi: bé sẽ mọc 2 chiếc răng tiếp theo ở 2 bên cạnh 2 răng cửa hàm trên. Lúc này bé có đủ 4 chiếc răng cửa hàm trên.
- Từ 10 tháng tuổi đến 16 tháng tuổi: bé sẽ mọc 2 chiếc răng tiếp theo ở 2 bên cạnh 2 răng cửa hàm dưới. Lúc này bé có đủ 4 chiếc răng cửa hàm dưới.
- Từ 13 tháng tuổi đến 19 tháng tuổi: bé sẽ mọc 2 chiếc răng hàm của hàm trên, 2 chiếc răng này mọc ở 2 bên phải và trái, lùi sau về phía trong và không mọc liền với những chiếc răng cửa.
Độ tuổi từ 14 tháng -33 tháng tuổi
- Từ 14 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi: bé sẽ mọc tiếp 2 chiếc răng hàm của hàm dưới, 2 chiếc răng này mọc ở 2 bên phải và trái, lùi sau về phía trong và không mọc liền với những chiếc răng cửa tương tự như những chiếc răng hàm trên.
- Từ 16 tháng tuổi đến 22 tháng tuổi: bé sẽ mọc 2 chiếc răng nanh hàm trên và dần dần lấp đầy vào những vị trí còn trống trong hàm trên.
- Từ 17 tháng tuổi đến 23 tháng tuổi: bé sẽ mọc nốt những chiếc răng còn lại ở hàm dưới và dường như lúc này, hàm răng của bé đã đầy đủ.
- Từ 23 tháng tuổi đến 31 tháng tuổi: bé sẽ mọc 2 răng hàm còn lại của hàm dưới.
- Từ 25 tháng tuổi đến 33 tháng tuổi: bé sẽ mọc nốt 2 răng hàm còn lại của hàm trên. Khi có răng hàm, việc nhai của trẻ sẽ hiệu quả hơn và trẻ có thể ăn được đa dạng các loại thức ăn, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.
Trong quá trình mọc răng của trẻ, bố mẹ cần lưu ý các vấn đề như trẻ có bị sốt, bỏ ăn mỗi lần mọc răng hay không, hoặc trẻ đã mọc đủ răng hay chưa, và nhu cầu dinh dưỡng lúc này của bé có tăng lên hay không. Từ đó để bố mẹ có cách chăm sóc trẻ tốt hơn nhé.
Những dấu hiệu và biểu hiện gợi ý trẻ mọc răng lần đầu
Trẻ mọc răng sẽ có rất nhiều dấu hiệu điển hình, những dấu hiệu này rất dễ nhận biết như:
Trẻ chảy nhiều nước dãi
khi trẻ mọc răng, tuyến nước bọt sẽ bị kích thích tiết ra nhiều hơn. Đặc biệt là khi răng chưa thể nhú lên khỏi nướu. Chảy nước dãi nhiều trong quá trình này sẽ giúp cho nướu của trẻ bớt sưng đau, đồng thời nướu dễ nứt ra để răng nhô lên nhanh chóng. Tuy nhiên lượng nước dãi của mỗi trẻ khi mọc răng cũng rất khác nhau. Có những trẻ chảy dãi nhiều nhưng cũng có trẻ chảy dãi ít. Bố mẹ nên theo dõi kĩ con mình để nắm được sự phát triển của con từng ngày.
Trẻ ho
Hiện tượng ho thường ít gặp hơn ở các bé trong quá trình mọc răng. Tình trạng ho này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân trẻ bị chảy dãi quá nhiều nhưng lại chưa có phản xạ nuốt hoặc phản xạ nuốt còn chưa đầy đủ. Do đó có đôi lúc trẻ bị ho bởi nước dãi quá nhiều đi vào trong cổ họng của trẻ. Nhưng tình trạng ho này sẽ chỉ là vài tiếng ho khan, không kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, cảm cúm, dị ứng.
Thường xuyên nhai cắn
Nhai cắn chính là dấu hiệu điển hình nhất cho thấy trẻ sắp mọc răng. Hiện tượng này có thể được giải thích một cách dễ hiểu rằng vùng nướu của bé đang dần bị nứt ra khi răng nhô lên. Trước khi nứt ra, nướu có thể bị tổn thương đôi chút do va chạm giữa răng và nướu, từ đó gây ra cảm giác đau và ngứa. Vậy nên trẻ thường muốn nhai cắn đồ vật để quên đi cảm giác đau và ngứa ở nướu. Dấu hiệu này cũng góp phần giúp cho nướu của trẻ nứt nhanh hơn, răng trẻ mọc nhanh hơn.
Nổi mẩn xung quanh cằm và miệng
Nổi mẩn xung quanh cằm và miệng là dấu hiệu không phải trẻ nào cũng có. Tuy nhiên khi trẻ mọc răng, cũng có thể gặp các dấu hiệu này. Việc nổi mẩn xung quanh cằm và miệng có thể do nước dãi chảy quá nhiều và liên tục cả ngày ra vùng miệng và cằm. Nhưng nếu trẻ có dấu hiệu nổi mẩn quanh cằm và miệng mà kèm theo các triệu chứng khác bất thường ở trong miệng, thì bố mẹ nên theo dõi xem đây có thực sự là dấu hiệu của quá trình mọc răng hay là dấu hiệu bất thường thì bố mệ nên đưa con mình đi khám bác sĩ nhé.
Trẻ bị sốt nhẹ
Trẻ bị sốt khi mọc răng là dấu hiệu rất thường gặp, hầu như trẻ nào cũng xảy ra tình trạng sốt khi mọc răng. Sốt thường xuất hiện ở những lần mọc răng đầu tiên, và nhiệt độ sốt cũng có xu hướng giảm dần đối với các lần mọc răng tiếp theo. Khi trẻ bị sốt, bố mẹ không nên quá lo lắng. Trẻ chỉ hơi nóng người, khoảng 37.5 độ đến 38 độ C, rất ít khi sốt quá cao. Hiện tượng sốt thường kéo dài dưới 2 ngày và thông thường là 1 ngày. Hiện tượng sốt là do sưng đau và nứt ở nướu, đồng thời do hệ miễn dịch của cơ thể bé được kích hoạt nhưng không hề gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên bố mẹ cũng nên theo dõi sát sao trẻ vì trong một số trường hợp có thể nhầm lẫn dấu hiệu mọc răng và dấu hiệu trẻ bị ốm. Nếu trẻ sốt cao và kéo dài bất thường thì nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ thêm.
Bú kém hơn
Bú kém hơn là dấu hiệu rất dễ nhận biết cho mẹ. Đa phần các trẻ khi mọc răng thường sẽ lười bú hơn bởi vì nướu của các bé đang bị sưng và đau, bé cũng có những khó chịu trong người nên việc ăn uống cũng kém hơn.
Trẻ quấy khóc
Trẻ quấy khóc là dấu hiệu cho thấy trẻ đang có những khó chịu ở trong cơ thể. Quấy khóc là do trẻ bị sốt, trẻ bị sưng và đau ở nướu. Trẻ thường quấy khóc khi răng chuẩn bị nhô lên. Do đó bố mẹ nên kiểm tra trên hàm răng của con có màu trắng ở nướu hay không. Nếu có thì trẻ quấy khóc là do mọc răng, còn nếu không có thì có thể trẻ đang bị sợ hãi, khó chịu hoặc đau ở nơi nào đó trên cơ thể. Nếu quấy khóc kèm theo chảy dãi, sốt, lười ăn, bỏ bú thì rất có thể là do mọc răng. Đặc biệt bố mẹ cần lưu ý khi trẻ quấy khóc kéo dài, hoặc quấy khóc theo từng cơn thì có thể trẻ đang gặp các vấn đề như đau bụng. Khi này cần kiểm tra lại khẩu phần dinh dưỡng cung cấp cho trẻ và nếu có thể hãy đưa trẻ đến tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để được hỗ trợ thêm
Bé dễ cáu gắt
Bé dễ cáu gắt cũng là dấu hiệu cho thấy bé đang có những xáo trộn trong cơ thể do sốt, do đau nướu. Khi này bố mẹ chăm sóc bé cần phải có sự kiên nhẫn và ân cần để bé dễ chịu hơn.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là hiện tượng thường gặp khi trẻ đang mọc răng. Điều này là do hệ tiêu hóa của trẻ tăng cường hoạt động để chuẩn bị cho giai đoạn tiêu hóa các loại thức ăn cứng chắc khác. Vô hình chung đã gây ra tình trạng hạt cà hạt kê trong phân của trẻ. Trẻ có thể bị tiêu chảy khoảng 1 lần đến 2 lần trong một lần mọc răng. Tiêu chảy thường giảm ở những lần mọc răng kế tiếp.
Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng
Khi trẻ mọc răng cũng giống như khi cơ thể đang trải qua những rối loạn, do đó trẻ thường rất khó chịu, dễ quấy khóc. Điều này thường khiến cho các ông bố bà mẹ, đặc biệt là làm bố làm mẹ lần đầu, thì rất lo lắng và thương con. Và chúng tôi có những tip nhỏ sau đây sẽ giúp cho bé cảm thấy dễ chịu hơn, bạn hãy đọc và thực hiện tùy theo những biểu hiện của con bạn nhé.
- Để nướu của trẻ bớt sưng và đau, bạn nên “mát xa” nhẹ cho nướu của con, bằng cách bạn rửa sạch ngón tay và móng tay, sau đó đưa tay có nước mát thoa nhẹ và đều lên nướu đang đau của trẻ, trẻ sẽ dễ chịu hơn.
- Nên vệ sinh răng miệng cho trẻ đặc biệt trong khi mọc răng. Vì nướu bị nứt thường tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra viêm nhiễm ở miệng trẻ. Do trẻ chưa mọc răng nên việc vệ sinh thường dùng là dùng gạc hoặc dùng khăn vải mềm, nhưng bạn nên chọn loại vải mềm sạch nhưng ít sợi vải để vệ sinh sạch sẽ cho bé nhé. Bạn nên nhúng khăn vào nước ấm, quấn khăn quanh đầu 1 ngón tay sao cho vừa với miệng trẻ, rồi đưa vào vệ sinh lần lượt từ nướu hàm trên xuống nướu hàm dưới rồi vệ sinh lưỡi cho bé.
- Trẻ bị sốt dưới 38 độ thì bố mẹ có thể không cần hạ sốt cho trẻ.
- Trẻ bị sốt từ 38 độ đến 39 độ thì cần dùng khăn nhúng nước ấm và lau qua người cho bé.
- Trẻ bị sốt trên 39 độ cần chườm khăn ấm cho bé kết hợp cho bé dùng thuốc hạ sốt. Nhưng bố mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc hạ sốt mà chưa tham khảo ý kiến của người có chuyên môn. Thuốc hạ sốt dùng cho trẻ là loại có hoạt chất là Paracetamol và loại thuốc đó chỉ có chứa hoạt chất là Paracetamol. Liều lượng dùng cho trẻ cũng cần đặc biệt lưu ý vì cân nặng của các trẻ khác nhau nên lượng thuốc cần cũng là khác nhau. Đối với trường hợp cho trẻ dùng quá liều thuốc hạ sốt có thể gây hại cho trẻ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Vậy nên những người có con nhỏ nên tự trang bị kiến thức về hạ sốt cho trẻ để có thể chăm sóc trẻ đúng cách.
- Nếu trẻ tiêu chảy 1 lần đến 2 lần thì bạn có thể xem xét cho trẻ ăn lượng đường ít hơn bằng cách hạn chế đồ ăn chứa nhiều đường và tinh bột nếu trẻ đã ăn dặm, hoặc bạn ăn hạn chế những thực phẩm trên nếu trẻ đang bú mẹ.
Cách để trẻ mọc răng đúng thời điểm
Răng cũng tương tự như xương, đều được kết cấu bởi các thành tố canxi. Vậy nên trẻ mọc răng sớm hay muộn có thể là do lượng canxi dự trữ trong cơ thể. Nếu lượng canxi nhiều, trẻ sẽ mọc răng đúng hạn, thậm chí là sớm hơn hạn khoảng 1 – 2 tháng. Tuy nhiên nếu cơ thể trẻ bị thiếu canxi, quá trình hình thành răng sẽ chậm hơn và trẻ sẽ lâu mọc răng hơn. Vậy nên bổ sung đủ canxi sẽ giúp cho mọc răng đúng thời điểm. Bà mẹ nên bổ sung đủ canxi trong giai đoạn đang mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ trong từng giai đoạn thai kì, đồng thời nên bổ sung đủ canxi cho con trong những tháng đầu tiên của cuộc đời.
Một số câu hỏi liên quan đến lịch mọc răng của bé
Bé 8,9 tháng tuổi chưa mọc răng là sao ?
Mỗi trẻ sẽ có thời điểm mọc răng khác nhau. Mọc răng sớm hay muộn là do quá trình tích lũy canxi của trẻ trong giai đoạn thai kì và trong những tháng đầu tiên cuộc đời, đồng thời cũng do thời gian mẹ mang thai và do cơ địa của từng trẻ. Thông thường bé sẽ mọc răng đầu tiên trong vòng 1 năm đầu đời. Như vậy khi sẽ 8, 9 tháng tuổi vẫn chưa mọc răng thì đây là điều hoàn toàn bình thường, các bà mẹ không nên quá lo lắng. Nếu trẻ trên 1 tuổi vẫn không thấy dấu hiệu mọc răng thì lúc này cần đi thăm khám cho trẻ ở các cơ sở y tế.
Trẻ mọc răng chậm có phải do thiếu hụt Canxi?
Canxi là một yếu tố đóng góp trong việc hình thành răng và mọc răng của trẻ. Do vậy nếu trẻ mọc răng quá chậm (trên 1 năm) thì có thể trẻ bị thiếu hụt canxi. Còn dưới 1 năm thì nguyên nhân thiếu hụt canxi làm bé chậm mọc răng là không có cơ sở. Lượng canxi bổ sung cho trẻ cũng nên vừa đủ, không nên thiếu và cũng không nên thừa. Bên cạnh canxi, bé cũng nên được bổ sung thêm lượng vitamin D đủ.
Trẻ bị sốt khi mọc răng phải làm sao ?
- Hiện tượng sốt không hẳn là hiện tượng xấu, bởi sốt là dấu hiệu của hệ miễn dịch của trẻ hoạt động, làm quen với các yếu tố lạ xâm nhập cơ thể để “tập luyện”, bảo vệ cơ thể trẻ tốt hơn.
- Nếu trẻ sốt nhẹ, dưới 38 độ, thì bạn chỉ cần làm cho trẻ dễ chịu hơn như hát ru, như chơi với trẻ, hoặc cho trẻ chơi các đồ vật mà chúng thích, chúng sẽ quên đi những khó chịu trong người.
- Nếu trẻ sốt cao hơn, có thể dùng khăn ấm chườm qua người cho bé để nhiệt độ không tăng, hoặc có thể dùng thuốc hạ sốt cho trẻ. Hiện nay có 1 số loại thuốc đạn hạ sốt cho bé được dùng khá phổ biến. Bạn có thể dùng những loại thuốc này để hạ sốt cho bé nhưng cần lưu ý về liều và khoảng thời gian giữa các lần sử dụng (thường là các lần dùng cách nhau ít nhất 4 giờ). Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp chỉ cần 1 viên cho 1 lần là trẻ có thể hạ sốt rồi và không cần dùng thêm lần thứ 2.
Trẻ bị sôt khi mọc răng mấy ngày thì hết ?
Sốt do mọc răng thường khá đơn giản và ít gây khó chịu. Sốt có thể xảy ra về ban ngày hoặc ban đêm, kéo dài trong 1 ngày hoặc thậm chí là 2 ngày, rất ít khi kéo dài.
Cách giảm đau khi bé mọc răng
Giảm đau cho bé là rất cần thiết, khi giảm đau thì bé sẽ ăn ngon hơn, ít quấy khóc. Để giảm đau cho bé, bạn có thể dùng ngón tay của mình, nên chọn ngón tay nhỏ nhắn và mềm, sau đó rửa sạch và khi ngón tay vẫn còn ẩm ướt thì đưa vào nướu của bé và vệ sinh nhẹ nhàng, trườn nhẹ trên nướu của trẻ để trẻ bớt cảm giác đau và ngứa. Nếu trẻ bú bình thì bạn cũng nên chọn những loại đầu vú mềm cho trẻ bớt đau khi bú.