Danh sách đồ dùng trẻ sơ sinh đầy đủ và cần thiết [Các mẹ nên mua]

Mở đầu

Việc mua sắm đồ cho trẻ là rất cần thiết. Đối với những người lần đầu làm mẹ thì đây quả thực là một công việc khá thích thú và cũng có phần bỡ ngỡ. Ngay cả những người đã làm mẹ, đã từng đi mua sắm đồ dùng cho trẻ sơ sinh cũng không tránh khỏi việc nhớ nhớ quên quên đồ này đã mua chưa, hay tình trạng về nhà nhận thấy mình mua vẫn chưa đủ khiến cho họ phải đi lại mất nhiều thời gian. Do đó một danh sách mua sắm cần phải được chuẩn bị kĩ lưỡng trước đi mua đồ cho bé. Các bà mẹ nên lên danh sách mua đồ dùng cho con vào khoảng từ tháng 6 của thai kì. Đồ dùng của trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh đều khá nhiều, do đó việc lên danh sách mua sắm đều phải đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng để tránh tốn kém, lãng phí. Những đồ dùng cần thiết bạn có thể tham khảo ý kiến của người thân, gia đình, bạn bè, những người đã có kinh nghiệm sinh đẻ, hoặc có thể tham khảo trong bài viết dưới đây.

Lên kế hoạch mua đồ cho trẻ sơ sinh

Kế hoạch mua đồ dùng cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết vì việc này tiết kiệm thời gian và chi phí. Trước hết bạn nên tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm từ những mẹ bầu đi trước, để có mường tượng chung về những đồ thiết yếu cho trẻ. Bạn nên tham khảo càng sớm càng tốt để chuẩn bị sẵn tâm lí trước khi bước vào giai đoạn làm mẹ, cần lưu ý răng, bạn nên ghi chép tỉ mỉ những đồ này trong 1 danh sách vì chắc chắn bạn sẽ không thể nhớ hết được đâu. Sau đó với những kinh nghiệm bạn học hỏi được, cũng như những nguồn tham khảo khác như qua mạng Internet,… bạn nên tìm kiếm giá trị thực của từng món đồ trên thị trường để có thể cân đối ngân sách mua cho bé. Đối với đồ dùng không thể thiếu bạn nên tìm hiểu trước, còn những đồ dùng khác, bạn có thể tham khảo giá trước khi quyết định mua để tránh lãng phí. Một điều quan trọng hơn nữa, đó là bạn nên mua đồ dùng hợp với giới tính của bé để tránh sự nhầm lẫn sau này.

Về thời gian để lên kế hoạch thì bạn có thể tham khảo lịch sau:

  • Sau khoảng 3 tháng, bạn có thể dự đoán được giới tính của con. Do đó khi đã biết giới tính của con, bạn nên lên kế hoạch mua đồ dùng cho trẻ sơ sinh kể từ tháng 4.  Kế hoạch thường bắt đầu bằng việc bạn tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau, mỗi lần tham khảo thông tin mới, bạn nên ghi chép lại những đồ dùng cần mua, những lưu ý khi mua đồ,… Khi tới tháng 6 hoặc tháng 7 của thai kì, bạn nên chủ động tìm hiểu giá trị thực của những món đồ này trên thị trường và phân danh sách thành 2 cột là danh sách thiết yếu và danh sách không thiết yếu. Đồng thời bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một khoản tiền khoảng vài triệu để mua đồ cho con.
Lên kế hoạch mua đồ cho trẻ sơ sinh
Lên kế hoạch mua đồ cho trẻ sơ sinh
  • Ngoài ra, đối với những bạn sinh đẻ vào mùa hè hay mùa đông cũng đều có những đồ dùng cho bé khác nhau. Nếu bạn sinh bé vào mùa đông, những đồ dùng để giữ ấm cho bé là rất cần thiết, đặc biệt nếu trong trường hợp mưa nhiều thì đồ không thể khô nhanh được nếu không có máy sấy bạn nên mua nhiều đồ mùa đông cho bé hơn. Đồ mùa hè cho bé có thể mua 1 vài đồ mà không nên mua nhiều thì thời điểm đến hè, bé đã lớn hơn rất nhiều nên có lẽ không mặc vừa bộ sơ sinh nữa. Trong trường hợp bạn sinh bé vào mùa hè thì cũng lập danh sách mua đồ mùa hè nhiều hơn mùa đông nhé.

Danh sách đồ sơ sinh không thể thiếu cho bé

Để tham khảo những đồ dùng thiết yếu cho bé, bạn nên tham khảo danh sách những đồ dùng cần thiết cho cả bé trai và bé gái như sau:

Quần áo sơ sinh cho bé

Nên chọn quần áo như thế nào cho bé?

  • Áo sơ sinh: bạn nên chọn khoảng 10 chiếc áo sơ sinh loại vải cotton mềm và có cúc cài. Khi mặc cho con bạn nên lộn trái áo ra để mặc để tránh gân áo làm đau làn da bé.
  • Quần sơ sinh: bạn nên chọn từ 10 đến 15 chiếc quần sơ sinh loại chun quần giãn tốt, chun quần nhỏ và không cứng.
  • Bộ body sơ sinh: bạn cần mua khoảng 5 bộ, bao gồm cả dài tay và ngắn tay cho bé.
  • Áo ấm, áo len: nếu bé sinh vào mùa lạnh thì nên có khoảng 5 chiếc cho bé, nếu bé sinh vào mùa nóng thì có thể không mua hoặc mua sẵn 1 đến 2 chiếc đề phòng khi trời trở lạnh.
  • Quần đóng bỉm: bạn nên mua khoảng 5 chiếc cho bé. Và cũng nên mua thêm 5 cái nữa cho bé nhưng với cỡ lớn hơn cho trẻ mặc khi trẻ được khoảng 3 tháng tuổi nếu mẹ không tiện đi mua cho bé khi đó.
  • Khăn ủ: nếu bé sinh vào mùa đông, nên chọn loại khăn ủ dày và mềm, giữ ấm tốt, nếu bé sinh vào mùa hè, nên chọn loại khăn ủ mỏng và mềm. Bạn nên mua khoảng 2 chiếc khăn ủ cho con.
  • Chăn: nên mua 1 – 2 chiếc chăn riêng cho bé, để giữ ấm cho bé tốt hơn.

Một số lỗi các mẹ hay mắc phải khi mua đồ sơ sinh cho bé

Một số người có thói quen chọn những loại quần áo có vải dày và cứng, gân quần áo lớn, điều này sẽ gây khó chịu cho làn da của bé.

  • Người lớn thường nghĩ rằng nên mua những quần áo màu sắc sặc sỡ là để tôn lên làn da của bé, làm cho bé đáng yêu hơn. Nhưng chính những màu sắc này có thể làm hại đến da bé bởi những loại phẩm nhuộm vải. Vậy nên khi chọn lựa, bạn nên chọn những loại áo màu sắc đơn giản, không quá đậm như màu trắng, màu hồng hay màu vàng nhạt. Những màu này không chỉ an toàn với làn da bé mà còn tôn lên vẻ đáng yêu của bé nữa nhé.
  • Mua đồ liền, bộ đồ: điều này có thể đem lại sự tiện lợi cho bố mẹ vì chỉ cần mặc 1 lần cho trẻ thôi, đồng thời những bộ đồ này khiến cho trẻ cũng rất đáng yêu. Nhưng những bộ đồ liền này có thể gây ra khó chịu cho bé, làm cho bé bị nóng nực và chật chội. Vậy nên bạn nên mua nhiều hơn những bộ đồ rời để đảm bảo sự thoáng mát và thoải mái cho bé.
  • Chọn quần áo kích thước không phù hợp: đối với những bé khác nhau khi chào đời cũng có kích thước cơ thể và cân nặng khác nhau. Tuy nhiên khi mua sắm đồ, bạn sẽ không thể dự đoán trước được cân nặng của con. Do đó bạn nên lựa chọn những loại quần áo có kích thước nhích lên một chút để tránh bé mặc những bộ đồ này bị chật.
Các bạn nên lựa chọn những loại quần áo có kích thước nhích lên một chút để tránh bé mặc những bộ đồ này bị chật.
Các bạn nên lựa chọn những loại quần áo có kích thước nhích lên một chút để tránh bé mặc những bộ đồ này bị chật.
  • Chọn những loại quần áo từ sợi hóa học: làn da bé rất non nên cần tiếp xúc với những loại vải mềm, sạch và đảm bảo sự thông thoáng. Những loại sợi hóa học sẽ khiến cho mồ hôi không thể thoát ra ngoài nên làm cho da bé trở nên bí bách, bé đổ mồ hôi nhiều, thậm chí có thể gây ra các bệnh về da.

Sữa và đồ dùng phụ kiện ăn uống cho bé

Lựa chọn sữa và bình phụ kiện cho bé

  • Sữa dự phòng: khi sinh bé, có thể bạn chưa có sữa ngay, tuy nhiên bạn nên cố gắng cho con bú ngay để vừa kích thích tiết sữa, vừa đảm bảo trẻ bú mẹ ngoan. Nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp mẹ không thể có sữa ngay, đặc biệt là những bà mẹ sinh mổ, lúc này cần bổ sung sữa ngoài cho bé. Sữa ngoài thường được cung cấp từ bệnh viện, nhưng bạn cũng nên mua dự phòng 1 hộp nhỏ dành cho trẻ sơ sinh để dùng cho trẻ.
  • Bình sữa: nếu như mẹ chưa thể cho con bú ngay thì bình sữa lại rất cần thiết vì bình sữa sẽ thay vai trò của vú mẹ. Bạn nên chuẩn bị 1 đến 2 bình sữa cỡ nhỏ khoảng 100ml đến 200ml để vừa lượng sữa cho bé uống.
  • Máy tiệt trùng: dùng để tiệt trùng và sấy khô bình sữa.
  • Máy hâm nóng sữa: dùng để hâm nóng sữa cho con bằng cách giữ cho nhiệt độ sữa luôn ở khoảng 40 độ C. Tuy nhiên đây không hẳn là 1 cách tốt vì nó chỉ mang tính tiện lợi cho mẹ mà không đảm bảo vệ sinh đồ ăn của con. Trong môi trường ấm và giàu dinh dưỡng, vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng và làm hại cho hệ tiêu hóa của bé. Vậy nên chỉ nên giữ ấm bình sữa nếu con dùng tiếp trong vòng 30 phút tới. Nếu hâm quá 30 phút thì không nên cho trẻ dùng nữa. Ngoài ra để tiết kiệm chi phí, bạn cũng có thể ngâm ấm bình ở nước 40 độ C ngay trước khi dùng cho bé, điều này cũng tránh được ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa của trẻ.
  • Dụng cụ vệ sinh bình sữa: bao gồm cây cọ bình hoặc bàn chải làm sạch bình sữa. Sau khi con uống sữa, bình sữa nên được vệ sinh sạch sẽ cho lần dùng tiếp theo.
  • Máy vắt sữa: đây là dụng cụ dành cho mẹ. Chúng rất cần thiết cho tất cả các bà mẹ. Nếu mới sinh, bạn chưa có sữa ngay thì có thể thử dùng máy vắt sữa để kích thích tiết sữa. Còn khi bạn có việc cần ra ngoài cũng có thể vắt sữa để lại cho con bú mà không cần phải bú trực tiếp vào ti mẹ.

Lưu ý khi chọn mua cho các mẹ

  • Nên chọn loại bình sữa cỡ nhỏ nhưng không nên mua quá nhiều, vì khi bé lớn lên nhu cầu sữa của bé sẽ tăng lên, lúc này bạn cần chuyển sang bình lớn hơn.
  • Không nên dùng loại to để tránh pha quá nhiều sữa mà trẻ không dùng hết phải đổ đi gây lãng phí. Khi mua bình sữa, bạn nên chọn loại bình có núm vú cao su dài và mềm. Đây là 2 yếu tố quan trọng vì khi mới sinh, miệng bé khá non, nếu núm vú cứng rắn có thể làm tổn thương niêm mạc miệng của bé, và bé sẽ lười bú hơn.
  • Không ngâm bình sữa trong môi trường ấm 40 – 50 độ C quá 30 phút để tránh làm hỏng sữa.
  • Tất cả các phụ kiện ăn uống cho bé đều phải làm sạch sau khi dùng.
  • Khi mới mua những đồ dùng này về, cần làm sạch bằng nước và để khô trong điều kiện thường, không phơi chúng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Danh sách dụng cụ vệ sinh cho bé

Lựa chọn dụng cụ vệ sinh cho trẻ sơ sinh

Lựa chọn khăn tắm để vệ sinh cho trẻ
Lựa chọn khăn tắm để vệ sinh cho trẻ
  • Khăn tắm: bạn nên chọn khoảng 5 chiếc khăn tắm loại làm bằng vải màn, màu trắng có các viền màu khác, khổ lớn, hình vuông để quấn cho bé ngay sau mỗi lần tắm, vừa để lau khô người và tóc cho bé sau khi tắm, vừa để giữ ấm cho bé đặc biệt trong mùa lạnh.
  • Khăn xô, khăn sữa: khoảng 20 – 30 chiếc khăn mềm, vải màn, có màu trắng và viền màu xung quanh.
  • Tã chéo: bạn nên mua khoảng 10 chiếc loại cotton mềm mại, thường chỉ dùng trong tháng đầu tiên. Hiện nay đã có những loại bỉm cho trẻ sơ sinh nên vai trò của những chiếc tã chéo này cũng dần mờ nhạt. Tã chéo hiện nay thường dùng để đóng cho trẻ trong 1 tuần đầu tiên. Tã chéo cũng rất được khuyến khích dùng cho bé, vì chúng thoáng mát hơn bỉm, ít nguy cơ cho da bé hơn, tuy nhiên việc giặt tã lại không thuận tiện cho người chăm sóc, đặc biệt trong mùa đông. Trong mùa đông bạn nên  ưu tiên dùng bỉm sơ sinh cho bé hơn, trong mùa hè thì ưu tiên dùng tã chéo cho bé.
  • Mũ sơ sinh: chuẩn bị sẵn 5 chiếc, dạng tròn, bao gồm cả loại dày và loại mỏng để dùng được cả khi trời lạnh lẫn khi trời mát.
  • Bao tay, bao chân: mỗi loại nên chuẩn bị khoảng 5 – 10 đôi, loại bằng vải cotton mềm, chun co giãn đàn hồi tốt và mềm để không thít vào cổ chân và cổ tay bé.
  • Yếm vải: nên chuẩn bị khoảng 5 chiếc. Chúng có tác dụng giữ ấm cổ cho bé, đồng thời giữ vệ sinh cho bé tránh dây sữa từ mẹ ra quần áo bé khi mẹ cho bé bú.
  • Gối đầu và gối chặn: mỗi loại khoảng 3 – 5 chiếc. Gối đầu nên chọn loại nhỏ, mềm, có phần lõm ở giữa. Lưu ý gối đầu không nên chọn loại gối cao vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển phần xương sụn của trẻ. Gối chặn nên lựa chọn loại vỏ đỗ vì vừa mềm vừa có thể chặn tốt, tránh cho bé giật mình.
  • Tấm lót sơ sinh: cần 2 – 5 chiếc để vệ sinh tránh nước tiểu hay phân của bé dây ra giường chiếu.
  • Lót phân su: chuẩn bị 1 bịch, dùng cho những ngày đầu tiên bé đi ra phân su.
  • Bỉm loại newborn size s: chuẩn bị sẵn 1 bịch để đóng cho bé.

Mẹ cần học cách vệ sinh cho bé

  • Vệ sinh cho bé đúng cách là rất quan trọng. Và mẹ cần nắm rõ cách vệ sinh cho bé để chăm sóc con được tốt nhất.
  • Khăn tắm: bạn nên mở rộng hết khổ khăn tắm và quấn quanh người con, lên cả trên đầu con nếu có gội đầu, sau đó thấm nhẹ khăn trên da con để lau khô người cho con.
  • Khăn xô, khăn sữa: đây là những loại dùng để vệ sinh cho con sau khi cho con uống sữa. Bạn nên dùng những khăn này để lót, tránh cho sữa chảy ra phần cổ của bé, hoặc thấm nhẹ quanh miệng con sau khi vừa cho con bú.
  • Tã chéo: cách quấn tã chéo nên học tập từ các cô chăm sóc tại bệnh viện hoặc học hỏi từ những người có kinh nghiệm trước đó.
  • Tấm lót sơ sinh: đây là loại ít thấm nước, bạn có thể đặt bên dưới con khi con ngủ để nước tiểu của con không ngấm vào chăn và đệm. Ngoài ra khi vệ sinh cho bé trên giường, bạn cũng có thể dùng tấm lót để lót bên dưới trẻ, tránh nước và phân dây ra giường. Sau khi sử dụng thì hãy chải sạch tấm lót và phơi khô trước khi dùng lần kế tiếp.
  • Bỉm: bạn nên học cách đóng bỉm dán và bỉm quần cho bé. Sau khi đóng cần kiểm tra xem bỉm có bị đóng lệch hay không, hãy căn chỉnh cho vừa với mông của bé nhé.

Thuốc cho trẻ sơ sinh

Bạn nên có đầy đủ những loại thuốc sau đây để dùng cho trẻ sơ sinh:

Vitamin D rất cần thiết để giúp cho trẻ có đủ canxi và các dưỡng chất, đảm bảo cho quá trình mọc tóc, mọc răng và phát triển xương được cân đối và toàn diện
Vitamin D rất cần thiết để giúp cho trẻ có đủ canxi và các dưỡng chất, đảm bảo cho quá trình mọc tóc, mọc răng và phát triển xương được cân đối và toàn diện
  • Vitamin D: loại nhỏ giọt, đây là thuốc rất cần thiết để giúp cho trẻ có đủ canxi và các dưỡng chất, đảm bảo cho quá trình mọc tóc, mọc răng và phát triển xương được cân đối và toàn diện
  • Kem chống hăm: lựa chọn loại phù hợp với làn da trẻ sơ sinh.
  • Gạc rơ lưỡi và thuốc trị tưa lưỡi ở trẻ: Tưa lưỡi ở trẻ thực chất là do sự phát triển của loại nấm miệng candida. Sự phát triển của nấm trong miệng trẻ thường do sự lắng đọng cấn sữa ở miệng trẻ, bởi trẻ chưa có ý thức làm sạch miệng và tuyến nước bọt cũng chưa phát triển đầy đủ. Hiện tượng này gặp ở trẻ bú sữa công thức hơn là trẻ bú sữa mẹ. Tuy nhiên hiện tượng tưa lưỡi hay gặp ở trẻ và bạn không nên quá lo lắng.
  • Nước muối sinh lí loại dùng cho trẻ em và tăm bông: có thể dùng để vệ sinh mũi và mắt cho trẻ.
  • Cuối cùng là thuốc hạ sốt: nên lựa chọn loại thuốc đặt. Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần phải thận trọng. Bạn có thể tham khảo bác sĩ về cách dùng thuốc hạ sốt cho bé để trang bị sẵn kiến thức chăm sóc bé tốt nhất.

Đồ dùng cho mẹ khi đi sinh

  • Quần áo: nên mang theo những bộ đồ ngủ rộng rãi và thông thoáng, mở sẵn cúc áo nhé.
  • Áo choàng: nên mang theo nếu sinh con vào mùa lạnh
  • Quần lót sau sinh: nên sử dụng loại dùng 1 lần trong thời gian nằm viện.
  • Miếng lót, băng vệ sinh: dùng phòng khi bị són tiểu hoặc có kinh nguyệt.
  • Bông sạch: vệ sinh khi cần.
  • Áo loại dùng cho con bú
  • Đai quấn bụng và đai nịt bụng sau sinh: để cho bụng nhỏ dần.
  • Khăn rửa mặt và khăn tắm: sử dụng để vệ sinh cá nhân.
  • Dụng cụ rửa mặt, dầu gội đầu, bàn chải, kem đánh răng.
  • Dép và tất: trong trường hợp lạnh cần mang theo nhiều tất.
  • Điện thoại và tiền lẻ: để tiện liên lạc và mua một số đồ khác khi cần thêm.
  • Bông bịt tai: thường dùng trong những ngày đầu sau sinh.
  • Làn đồ dùng riêng cho trẻ chứa đầy đủ nhưng đồ cần thiết gồm: quần áo, mũ, tất tay, tất chân, tã chéo, bỉm, khăn sữa, khăn xô, yếm.

Hình ảnh các đồ dùng thiết yếu cho mẹ và bé

Hình ảnh: Các đồ dùng thiết yếu cho mẹ và bé
Hình ảnh: Các đồ dùng thiết yếu cho mẹ và bé