Bệnh nấm lưỡi rất hay gặp ở trẻ nhỏ nguyên nhân do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Bị nấm lưỡi ở trẻ nhỏ đa phần rất dễ chữa trị và ít ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Tuy nhiên nếu để kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến việc ăn uống và sức khỏe của trẻ.
Nấm lưỡi là bệnh gì?
Bệnh nấm lưỡi là bệnh lý vùng khoang miệng nguyên nhân do nấm Candida Albicans dẫn tới niêm mạc lưỡi bị tổn thương. Bệnh nấm lưỡi có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ.
Hình ảnh bệnh nấm lưỡi ở trẻ em
Nguyên nhân gây ra nấm lưỡi
- Nguyên nhân chính gây ra nấm lưỡi ở trẻ nhỏ là từ nấm Candida Albicans. Nấm Candida phát triển một cách quá mức tại vùng khoang miệng sẽ gây nên bệnh nấm miệng. Một số các yếu tố thuận lợi dưới đây làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida khoang miệng:
- Hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu: Nấm lưỡi có thể bị ở bất kỳ lứa tuổi nào tuy nhiên trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có nguy cơ nhiễm nấm cao nhất do hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện. Đặc biệt là các bé đẻ non, suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân khi sinh có nguy cơ bị tấn công bởi nấm hay vi khuẩn là cao hơn.
- Lây từ mẹ: Nếu mẹ bị nhiễm nấm sinh dục và không được điều trị thì khi sinh nguy cơ rất cao trẻ sẽ bị nhiễm nấm từ mẹ khi chuyển dạ. Ngoài ra một số mẹ bị viêm vú nếu sử dụng thuốc bôi tại chỗ nhưng không vệ sinh sạch sẽ cũng có thể tác động đến trẻ.
- Trẻ sử dụng corticoid đường hít không súc miệng sau khi hít dẫn đến bội nhiễm nấm.
- Lạm dụng kháng sinh: Sử dụng kháng sinh không đúng phác đồ, sử dụng một cách bừa bãi cũng làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida. Nguyên nhân do kháng sinh có thể gây chết các lợi khuẩn vì thế làm giảm yếu tố bảo vệ cơ thể khiến nấm dễ tấn công.
Ngoài những yếu tố trên có thể nấm lưỡi còn gây ra do cách vệ sinh khoang miệng của trẻ sơ sinh không đúng cách cũng có thể dẫn tới nấm miệng.
Biểu hiện của nấm lưỡi ở trẻ nhỏ
Nấm lưỡi ở trẻ nhỏ rất hay bị nhầm với các bệnh lý vòm họng khác hoặc một số mẹ nghĩ là do sữa còn đọng lại trong khoang miệng. Việc nhầm lẫn này rất nguy hiểm khiến việc điều trị cho trẻ bị chậm trễ. Các bậc phụ huynh cần nắm rõ các triệu chứng của bệnh nấm lưỡi dưới đây để nhận biết và điều trị sớm cho trẻ.
- Ở giai đoạn sớm của bệnh thì đầu lưỡi của trẻ sẽ xuất hiện những đốm trắng nhỏ, hình tròn. Lâu ngày thì các đốm trắng này lan dần ra sâu trong lưỡi, vòm họng, môi,.. Các chấm trắng to dần và hình thành các mảng bám chắc và bao phủ toàn bộ lưỡi. Khi cậy các mảng bám này ra thì thấy phía dưới rất nhiều các nốt đỏ và có thể chảy máu.
- Biểu hiện bên ngoài của trẻ: Trẻ biếng ăn, lười bú, quấy khóc và có thể bỏ bú.
- Nếu không nhận biết và điều trị sớm thì bệnh của trẻ sẽ tiến triển nặng, nấm sẽ di chuyển xuống cổ họng và tấn công vào các cơ quan khác của cơ thể gây nên các bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản hoặc tiêu chảy.
- Để phân biệt nấm lưỡi với các cặn sữa thì các mẹ có thể dùng một khăn xô mềm lau nhẹ trên lưỡi của bé. Các chấm hay mảng bám do nấm thì thường bám chặt vào niêm mạc của lưỡi nên không thể lấy ra bằng khăn mềm. Nếu cạy ra thì thường có nốt đỏ, chảy máu và trẻ sẽ bị đau đớn. Còn cặn sữa có thể lau đi dễ dàng bằng khăn xô mềm.
Điều trị nấm lưỡi như thế nào?
Điều trị nấm lưỡi cho trẻ ở giai đoạn đầu khá đơn giản. Đa số trẻ đều được điều trị tại nhà bằng thuốc kháng nấm.
Thuốc điều trị nấm lưỡi
Thuốc chống nấm để điều trị nấm lưỡi trên trẻ nhỏ rất hạn chế bởi độc tính của nó. Đa số các thuốc chống nấm đều được bào chế dưới dạng gel, kem để điều trị tại chỗ. Hiện nay có 2 loại thuốc chống nấm hay được dùng để điều trị nấm lưỡi cho trẻ nhỏ là Miconazol và Nystatin.
- Miconazol: Thuốc được bào chế dạng gel hoặc kem để bôi trực tiếp lên vùng lưỡi, má, môi bị nhiễm nấm.
- Nystatin: Được sử dụng khi trẻ chống chỉ định hoặc hạn chế sử dụng với Miconazol. Dạng bào chế thường sử dụng là bột hòa tan trong nước dùng để rơ miệng cho trẻ nhỏ.
Các loại thuốc này thường có tác dụng không mong muốn là gây buồn nôn hoặc tiêu chảy. Các mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị khi trẻ gặp bất kỳ một triệu chứng bất thường nào.
Lưu ý về cách thoa thuốc cho trẻ
- Đa phần các dạng thuốc để điều trị nấm cho trẻ nhỏ là dạng thuốc kem, gel bôi điều trị tại chỗ. Phụ huynh cần nắm rõ các lưu ý quan trọng sau đây khi sử dụng thuốc bôi trị nấm cho trẻ nhỏ.
- Trước khi thoa thuốc cho trẻ tay của mẹ cần phải được vệ sinh sạch sẽ tránh đưa thêm vi khuẩn, nấm từ ngoài vào.
- Có thể quấn gạc ở đầu tay để rơ thuốc lên lưỡi của bé. Rơ nhẹ nhàng, đều đặn không được rơ mạnh có thể khiến trẻ bị đau và chảy máu.
- Mẹ cần chú ý tới liều lượng mỗi lần bôi thuốc vì đa số các thuốc bôi điều sử dụng theo ước tính. Mẹ có thể tham khảo y tá, dược sĩ về liều lượng sử dụng mỗi lần cho trẻ.
Hướng dẫn cho trẻ không được nuốt hay súc miệng sau khi bôi thuốc.
Lưu ý cách chăm sóc miệng cho trẻ khi bị nấm
Chăm sóc khoang miệng cho trẻ bị nấm lưỡi khá đơn giản. Các mẹ chỉ cần đảm bảo vệ sinh và bôi thuốc đều đặn thì trẻ có thể khỏi hoàn toàn sau không đợt dùng thuốc. Trong quá trình điều trị cho trẻ bị nấm miệng các mẹ cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Đảm bảo vệ sinh khi đưa thuốc: Rửa sạch tay và dùng các dụng cụ vô trùng để bôi thuốc cho trẻ.
- Vệ sinh răng miệng để hạn chế hết sức có thể sự phát triển của vi khuẩn và vi nấm bằng cách: đánh răng hoặc hướng dẫn cho trẻ đánh răng thường xuyên, rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý( không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi do có thể gây ngộ độc), không hôn hay mớm cơm cho trẻ.
- Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ bé thường sử dụng đường miệng như bình sữa, đồ ăn dặm,…
- Vệ sinh đồ chơi hàng ngày để tránh trẻ ngậm có thể lây vi khuẩn.
- Đối với bé đang sử dụng corticoid dạng hít để điều trị hen suyễn cần phải súc miệng sau mỗi lần sử dụng.
Khi nào mẹ cần đưa bé tới gặp bác sĩ
- Các chuyên gia khuyến cáo trẻ cần được đưa đi khám tại các phòng khám hoặc chuyên khoa nhi tại bệnh viện khi phát hiện ra trẻ mắc nấm miệng. Các chẩn đoán chính xác và kịp thời từ bác sĩ có thể giúp quá trình điều trị của bé được thuận lợi hơn.
- Các mẹ không nên tự ý sử dụng các phương pháp dân gian không chính thống để điều trị tưa lưỡi tại nhà do có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của trẻ.
Phòng ngừa nấm lưỡi cho bé
Chỉ cần đảm bảo hạn chế các yếu tố thuận lợi cho vi nấm phát triển thì các bé sẽ không mắc bệnh nấm miệng.
Các cách phòng ngừa nấm lưỡi ở trẻ:
- Đảm bảo vệ sinh răng miệng cho trẻ. Đối với trẻ lớn thì cần được hướng dẫn súc miệng sau khi ăn và đánh răng tối thiểu mỗi ngày 1 lần. Trẻ sơ sinh thì bố mẹ có thể dùng khăn xô mềm hoặc gạc cùng với nước muối sinh lý để rơ lưỡi cho trẻ.
- Trẻ đang dùng corticoid đường uống cần phải được súc miệng sau khi sử dụng.
- Trước khi cho trẻ bú mẹ cần lấy khăn ấm sạch để lau vùng đầu ti.
- Các vật dụng như đồ ăn dặm, đồ chơi, bình sữa cần được vệ sinh hàng ngày.
- Không nên hôn trẻ vì vi khuẩn, vi nấm từ người lớn có thể truyền sang miệng trẻ. Không chỉ gây nấm miệng mà còn có thể gây các bệnh lý đường tiêu hóa nguy hiểm.