Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng (Hand – Foot – Mouth Disease) là một bệnh truyền nhiễm khá phổ biến, do virus gây ra.
Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em < 3 tuổi do sức đề kháng với virus kém. Bệnh cũng có thể gặp ở thanh thiếu niên hay người trưởng thành, tuy nhiên với tần suất thấp hơn.
Các quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh tay chân miệng cao bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm ở tất cả các tỉnh thành, nhưng các tháng cao điểm nhất của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Mỗi năm, Việt Nam báo cáo từ 50,000 đến 100,000 ca mắc bệnh tay chân miệng, nhưng số lượng bệnh nhân tử vong là không nhiều. Trên 60% các ca bệnh tay chân miệng được báo cáo là từ các tỉnh thành khu vực phía nam.
Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là các Enterovirus 71 (gọi tắt là EV71) và Coxsackie virus (gọi tắt là A16).
Virus được tìm thấy trong nước bọt, nước mũi, dịch hầu họng, phân và vết loét của bệnh nhân. Bệnh tay chân miệng là một bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc gần với bệnh nhân, người không mang bệnh có thể hít phải các giọt bắn có kích thước rất nhỏ khi bệnh nhân nói chuyện, ho hay hắt hơi. Người không mang bệnh cũng có thể bị lây nếu tiếp xúc với những bề mặt hoặc dụng cụ đã phơi nhiễm với virus gây bệnh (do chúng đã tiếp xúc với bệnh nhân trước đó).
Vài tuần sau khi khỏi bệnh, virus vẫn còn tồn tại bên trong cơ thể bệnh nhân. Lúc này, họ trở thành người lành mang mầm bệnh và vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.
Bản thân một số người tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng nhưng không bị bệnh do cơ thể họ có khả năng đề kháng bệnh tốt. Tuy nhiên, họ lại vô tình trở thành người lành mang mầm bệnh và có thể làm tình trạng lây lan bệnh tay chân miệng trong cộng đồng khó kiểm soát hơn.
Triệu chứng bệnh tay chân miệng
Thời gian ủ bệnh: 3-7 ngày.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh tay chân miệng là sốt, chán ăn, mệt mỏi và đau họng. Sau đó, sẽ dễ dàng phát hiện thấy những vết loét ở miệng, tay và chân. Loét còn có thể xảy ra ở một số vị trí khác trên cơ thể như mông hoặc cơ quan sinh dục. Vết loét ở miệng có thể gây đau khi ăn và làm cho bệnh nhân chán ăn.
Các triệu chứng xảy ra chủ yếu ở tay, chân và miệng, có lẽ vì thế mà bệnh này được gọi là bệnh tay chân miệng.
Trong đa số các trường hợp, bệnh tay chân miệng nhìn chung là nhẹ, ít nguy hiểm.
Biến chứng bệnh tay chân miệng
Nếu nguyên nhân gây bệnh là virus A16, bệnh tay chân miệng thường có xu hướng nhẹ và có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Cá biệt, đôi khi bệnh cũng có thể lâu khỏi hơn, nhưng cũng hiếm khi gây ra các biến chứng nặng.
Với bệnh tay chân miệng nói chung, trường hợp bệnh nhân không ăn uống được vì loét miệng (đặc biệt dễ gặp ở trẻ em), các triệu chứng có thể xảy ra ở bệnh nhân là mệt mỏi, mất nước và có thể có hạ đường huyết. Với các trường hợp như thế, bệnh nhân cần được nhập viện, bù đủ nước và điện giải (điều trị mất nước), bổ sung dinh dưỡng theo đường tĩnh mạch nếu không thể ăn được.
Nếu nguyên nhân gây bệnh là virus EV71, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn so với virus A16, và các biến chứng cũng vậy. Một số biến chứng nguy hiểm, tuy hiếm gặp, nhưng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là các biến chứng trên hệ thần kinh như viêm màng não vô khuẩn, viêm nhu mô não, thậm chí là liệt toàn thân…
Chẩn đoán bệnh tay chân miệng
Chẩn đoán tay chân miệng hoàn toàn dựa vào các triệu chứng lâm sàng đã được nói ở trên. Các xét nghiệm cận lâm sàng là không cần thiết.
Điều trị bệnh tay chân miệng
Hiện tại không có thuốc kháng virus điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Chúng ta chỉ có thể điều trị triệu chứng và dự phòng và điều trị biến chứng.
Hạ sốt: Paracetamol (ưu tiên cho trẻ em) hoặc Ibuprofen. Không dùng Aspirin cho trẻ em do lo ngại nguy cơ gặp phải hội chứng Reye.
Đảm bảo bù đủ nước, điện giải và các chất dinh dưỡng.
Người bị bệnh cần được cách ly 10-14 ngày.
Phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Hiện tại chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng.
Để phòng bệnh tay chân miệng, cần chú ý thực hiện giữ gìn vệ sinh tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, các bề mặt và vận dụng đã bị phơi nhiễm với người nhiễm bệnh cần được vệ sinh và sát trùng sạch sẽ (đặc biệt chú ý đồ chơi của trẻ em). Một cách sát trùng phổ biến và hiệu quả là rửa sạch các bề mặt và dụng cụ bằng xà phòng và nước, sau đó rửa lại các bề mặt và dụng cụ đó bằng thuốc tẩy có chứa chlor.
Các trường hợp mắc bệnh cần được điều trị sớm và kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Tránh tiếp xúc gần với các đối tượng bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được, nhất là khi người mắc bệnh thường là trẻ nhỏ, cần có sự chăm sóc của bố mẹ. Tuy nhiên, điều này cũng không gây ra vấn đề gì lớn bởi thường những người trưởng thành có khả năng đề kháng tốt với virus gây bệnh.
Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Khi mới mắc bệnh chân tay miệng, ba mẹ các bé thường chỉ nghĩ là bị nổi nút do muỗi đốt hay do bé nóng quá. Tuy nhiên đây chính là lý do làm cho bệnh chân tay miệng càng ngày trở nên nguy hiểm hơn. Khi mới mắc bệnh, trẻ thường chỉ có một số biểu hiện bệnh nhẹ như sốt nhẹ, chán ăn, nổi nút. Tuy nhiên nếu không phát hiện và đưa tới các cơ sở y tế kịp thời thì các biến chứng nặng có thể sảy ra. Trẻ có thể bị sốc, sốt cao, ngừng tim, tụt huyết áp nặng, tử vong. Chính vì vậy ba mẹ cần chú ý theo dõi trẻ sát sao.
Ngoài ra một yếu tố làm cho bệnh càng trở nên nguy hiểm là cho tới thời điểm hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh chân tay miệng. Chính vì thế khi mắc bệnh chỉ có thể tăng cường đề kháng cho trẻ và điều trị triệu chứng.
Bệnh cũng rất dễ lây lan từ trẻ này qua trẻ khác, chính vì thế để giảm thiểu nguy cơ con bạn bị mắc bệnh cần phải chăm sóc và giữ gìn vệ sinh cho trẻ thật tốt.