Sinh con và nuôi con có lẽ là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với những bậc làm cha, làm mẹ. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau là thế nhưng chắc cũng không thể nào so sánh được với những nỗi lo lắng, bất an trong quá trình nuôi con trưởng thành, mà đặc biệt khoảng thời gian em bé mới chào đời.Trong vô vàn nỗi lo con ốm đau, bệnh tật thì một số mẹ cũng rất lo lắng khi thấy trẻ sinh ra có xuất hiện nhiều lông măng trên cơ thể. Bài viết dưới đây tổng hợp một số tips đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả, các mẹ có thể tham khảo để giúp trẻ giảm bớt lông măng ngay tại nhà.
Nguồn gốc lông măng ở trẻ sơ sinh
Lông măng tên khoa học là Lanugo, hay còn được gọi là lông đẹn, lông cáy,lông tơ,…thường xuất hiện vào tuần 18 – 20 của thai kì. Lớp lông măng mỏng bao bọc bên ngoài cơ thể giúp giữ ấm trẻ trong tử cung người mẹ, bảo vệ làn da trẻ tránh những tổn thương từ nước ối. Ngoài ra, sự chuyển động của lông măng còn có tác dụng giảm stress và kích thích sự tăng trưởng của trẻ.
Yếu tố di truyền có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành lông măng ít hay nhiều ở trẻ. Mặt khác, có một số loại thực phẩm có khả năng thúc đẩy quá trình mọc lông và tóc như : măng, trứng, đu đủ, sữa và các chế phẩm từ sữa, thực phẩm giàu protein,…Nếu trong quá trình mang thai, mẹ bầu ăn quá nhiều những thực phẩm trên cũng dễ khiến trẻ nhỏ sinh ra có nhiều lông măng.
Lông măng ở trẻ sơ sinh có tự rụng không ?
Một số trẻ sau khi sinh còn lại rất ít lông do lông măng đã rụng gần như hoàn toàn trong thời kì bào thai. Tuy nhiên, một số khác thì còn nguyên bộ lông này. Thông thường cần khoảng 1-3 năm thì lông sẽ tự rụng hết mà không cần tới bất kì một tác động nào.
Đối với những trẻ mắc phải tình trạng tăng sản thượng thận bẩm sinh, lông không những không rụng bớt mà còn mọc dài và dày hơn. Bệnh lý tăng sản thượng thận bẩm sinh là kết quả của sự rối loạn hormon vỏ thượng thận do thiếu hụt một số enzym. Trong đó có sự giảm bất thường hormon aldosterone hoặc cartisol, dẫn tới tăng bài tiết androgen, gây kích thích sự phát triển của lông và tóc.
Ngoài ra còn một vài nguyên nhân khác khiến lông măng ở trẻ không tự rụng như : thiếu một số enzym nhất định, lượng natri thấp.
Nên làm gì để bé nhanh rụng lông măng ?
Tuy lông măng không nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhưng đôi khi lại làm trẻ ngứa ngáy, khó chịu, ngủ không ngon giấc. Mặt khác, để lớp lông dày trên da bé cũng không tạo cảm giác “ưa mắt” cho lắm. Vì vậy, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số cách đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả dưới đây để có thể giúp bé nhanh rụng lông măng hơn :
Tắm nước lá trầu không cho trẻ sơ sinh
Lá trầu không hay còn được biết đến với các tên gọi khác như : trầu lương, trầu cay, phù lưu,…có tính ấm, vị cay nồng và chứa một lượng nhỏ tinh dầu.
Lá trầu không rất dễ kiếm và hoàn toàn lành tính đối với trẻ sơ sinh. Tắm lá trầu không cho trẻ không những có tác dụng làm sạch lông măng, mà còn làm dịu mát da, chữa rôm sảy cho trẻ.
Cách làm : Lá trầu không sau khi rửa sạch đem vò nát hoặc xay nhuyễn, có thể kết hợp cùng với một quả cau nhỏ, cho vào nồi, thêm nước sạch và đun sôi. Sau đó, dùng chính nồi nước sôi đó pha thêm nước lạnh, đổ vào chậu để tắm cho bé. Dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng những vùng có nhiều lông măng, sau đó dùng nước ấm và chanh tươi tắm lại cho trẻ để khử mùi trầu không. Mẹ có thể tắm cho trẻ bằng lá trầu không hằng ngày.
Tắm cho bé bằng lá đậu ván
Đậu ván không chỉ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có tác dụng tẩy lông măng vô cùng hiệu quả.
Cách làm : Nên chọn những lá đậu ván kích thước vừa phải và không quá non, màu xanh tươi tự nhiên để tắm cho trẻ.Dùng một nắm lá đậu ván đem rửa sạch, cho vào nồi, thêm nước sạch và đun sôi trong khoảng 7-10 phút. Sau đó, pha thêm nước lạnh và tắm cho trẻ. Dùng tay miết nhẹ trên da trẻ thì lông măng sẽ rụng đi đáng kể. Sau khi tắm xong cho bé với nước lá đậu ván thì dùng nước ấm bình thường tắm lại cho trẻ.
Một tuần mẹ có thể tắm cho trẻ 2-3 lần.
Làm sạch lông cho trẻ sơ sinh bằng cây cỏ mực
Cây cỏ mực hay còn được gọi là cây mục giã hoặc cây nhọ nồi. Với đặc điểm giàu vitamin và các chất kháng sinh chống lại các chất kích thích mọc lông nên cho hiệu quả cao trong việc làm rụng lông măng ở trẻ sơ sinh. Cây cỏ mực mọc nhiều ở các bờ ruộng, bờ kênh mương nên rất dễ tìm và không gây bất kì một kích ứng nào đối với làn da của trẻ nhỏ.
Cách làm : Giã nhuyễn một nắm cây cỏ mực với nước, chắt lấy nước cốt rồi bôi trực tiếp lên vùng da có lông măng của trẻ. Chờ khoảng 20-30 phút cho hoạt chất ngấm vào da rồi tắm lại cho bé bằng nước ấm.
Lá vông làm sạch lông măng ở trẻ sơ sinh
Ngoài tác dụng phổ biến trên hệ thần kinh, chữa mất ngủ, bệnh trĩ, phong thấp,.. lá vông còn có tính kháng khuẩn và loại bỏ tốt bã nhờn trên da.
Cách làm : Lấy một ít lá vông rửa sạch, cho thêm khoảng 1 lít nước và đun sôi, để nguội. Dùng khăn mềm thấm nước đó và chà nhẹ nhàng trên những vùng da có lông măng ở trẻ, thực hiện đều đặn hằng ngày sẽ thấy hiệu quả.
Một số cách khác để trị lông măng cho trẻ
Trước khi tắm, bôi một lớp dầu oliu mỏng trên da và massage nhẹ nhàng cho trẻ : ngoài tác dụng giúp lớp lông tơ trên cơ thể trẻ biến mất, cách làm này còn mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho trẻ.
Tắm cho trẻ bằng hỗn hợp sữa và bột nghệ : mẹ có thể áp dụng cách này tắm cho trẻ 2-3 lần/ tuần sẽ cho tác dụng tốt. Tuy nhiên, cần cẩn thận để tránh bột nghệ dính vào mắt và miệng trẻ.
Tắm với bột mì : tránh chà xát mạnh làm bé đau khi tiếp xúc trực tiếp bột mì với lông.
Trộn hỗn hợp bột đậu lăng, hạnh nhân và sữa để tắm cho bé : ngoài tác dụng loại bỏ lông măng còn làm cho da bé sáng và mịn hơn.
Dùng lá khế : dùng một nắm lá khế rửa sạch,vò nát, đun sôi với nước cho cô đặc lại rồi đợi ấm và tắm cho bé. Lặp lại hằng ngày sẽ thấy giảm lông măng rõ rệt, ngoài ra trẻ còn cảm thấy dễ chịu và loại bỏ được mụn nhọt.
Có thể sử dụng các loại nước tắm thảo dược,sữa tắm để tẩy lông cho bé. Tuy nhiên, các mẹ nên ưu tiên chọn những loại chiết xuất tự nhiên, lành tính để tránh da bé bị khô và kích ứng.
Lưu ý khi tẩy lông măng cho bé
Đối với những cách dùng các loại cây cỏ để tắm cho bé, mẹ nên chú ý đến khâu tìm nguyên liệu. Các loại nguyên liệu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cách tốt nhất là nên tự trồng và chăm sóc. Trước khi nấu nước tắm cho trẻ, mẹ nên ngâm lá với nước muối từ 5-7 phút để loại bỏ hết bụi bẩn, đất cát cũng như mủ ở cuống và phiến lá. Phải đảm bảo nguyên liệu sạch hoàn toàn mới được dùng để nấu nước tắm cho trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý đến tỉ lệ nước và lá để cho hiệu quả tối đa.
Trước khi dùng nước lá trầu không, đậu ván, cỏ mực, lá vông,.. để tắm toàn thân cho trẻ, mẹ nên vẩy một ít nước lên da trẻ. Phải chắc chắn da bé không có bất kì một kích ứng nào đối với những loại nước nói trên thì mới tiếp tục tắm cho trẻ..
Vì da em bé còn rất mỏng và nhạy cảm nên các mẹ không nên dùng nhíp để nhổ hay cạo lông măng cho trẻ để tránh trường hợp gây viêm da ở trẻ.
Sau khi sử dụng, nếu thấy lông măng không giảm bớt hoặc có những chuyển biến xấu, mẹ nên đưa bé đến kiểm tra ở những cơ sở y tế uy tín và xin lời khuyên của các bác sĩ da liễu.
Nếu phát hiện thấy lông mọc từng nhúm ở lưng, đặc biệt là dọc xương sống của trẻ thì mẹ tuyệt đối không được chủ quan và cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám vì rất có thể trẻ đang có những bất thường về thần kinh.