Xuất hiện các mảng trắng trong miệng trẻ sơ sinh là tình trạng rất thường gặp, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng không được chủ quan. Nên phát hiện và can thiệp sớm để không gây ảnh hưởng tới sự phát triển và sức khỏe của bé.
Nguyên nhân khiến trẻ xuất mảng trắng trong miệng
Tình trạng xuất hiện các mảng trắng trong miệng trẻ có thể do một số nguyên nhân thường gặp sau đây:
- Nanh sữa: biểu hiện là có nhiều đốm trắng nông nằm ở bề mặt niêm mạc lợi, kích thước mỗi đốm khoảng 2-3mm. Nanh sữa là một tổn thương lành tính ở niêm mạc miệng của trẻ sơ sinh, thường biến mất sau 1-2 tuần và không gây ảnh hưởng tới việc ăn uống của bé.
- Do cặn sữa: cặn sữa là các chấm nhỏ màu trắng ở lưỡi trẻ sơ sinh, thường xuất hiện sau khi trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức đọng lại do trẻ không được vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Cặn sữa dễ bong và trôi khi trẻ nuốt, đồng thời cũng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
- Tưa lưỡi (nấm miệng): Đây là một tình trạng bệnh lý thường thấy ở trẻ sơ sinh do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Nguyên nhân gây tưa lưỡi là do một loại nấm men gây ra, có tên là Candida albicans. Loại nấm này xuất hiện từ khi trẻ chào đời, tồn tại cùng hàng triệu vi sinh vật khác trong cơ thể, chúng kìm hãm nhau để không gây bệnh. Tuy nhiên do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển, dẫn tới bệnh tưa lưỡi với biểu hiện là các mảng trắng xuất hiện ở lưỡi, lợi, nướu hay vị trí bất kỳ trong khoang miệng.
Trẻ bị mảng trắng trong miệng có đáng lo ngại không ?
Trẻ em rất non nớt và nhạy cảm, do vậy khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường đều khiến cha mẹ lo lắng. Với tình trạng mảng trắng trong miệng trẻ, ba mẹ cũng nên cần chú ý vì có thể trẻ bị nấm miệng. Với bệnh nấm miệng, trẻ thường mắc kèm các triệu chứng như: buồn nôn; môi khô, nứt nẻ; trẻ biếng ăn, quấy khóc. Nấm miệng thường không gây nhiều nguy hiểm cho trẻ và cũng dễ điều trị khỏi, tuy nhiên nếu cha mẹ chủ quan với bệnh trẻ có thể gặp phải một số biến chứng làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ:
- Nấm phát triển mạnh lan xuống vòm họng, amidan, thanh quản khiến trẻ bị khàn giọng, đau họng, khó nuốt. Khi nấm ngày ăn sâu vào các vùng này làm tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh viêm amidan, viêm họng và các bệnh đường hô hấp.
- Tổn thương ngày càng lan rộng khiến trẻ đau và xót khi ăn, có thể gây chảy máu.
- Nấm phát triển mạnh lan xuống ruột làm trẻ chậm hấp thu chất dinh dưỡng, trẻ dễ bị còi xương, chậm lớn.
- Nấm đi tới các phủ tạng khác làm ảnh hưởng tới chức năng của các phủ tạng này.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị mảng trắng trong miệng
Vệ sinh miệng cho bé tại nhà
Để hạn chế tình trạng trẻ bị mảng trắng trong miệng tốt nhất là cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ sẽ khiến nấm và các loại vi khuẩn khó phát triển trong khoảng miệng trẻ, tránh mắc phải các bệnh lý làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Cha mẹ có thể cho trẻ súc miệng hàng ngày với nước muối loãng để tăng khả năng diệt khuẩn. Khi cho trẻ bú mẹ thì sau khi bú nên cho trẻ uống nước để tránh tình trạng còn cặn sữa. Với trẻ bú bình, nên thường xuyên vệ sinh núm vú để giảm thiểu sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn gây bệnh.
Trong trường hợp trẻ bị tưa lưỡi, kết hợp với việc vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ thì các mẹ nên xử lý bằng cách đánh tưa lưỡi với các bước:
- Đặt trẻ nằm ngửa trên giường
- Người đánh tưa lưỡi cần đảm bảo rửa tay sạch sẽ sau đó quấn quanh ngón trỏ với một miếng băng gạc
- Nhúng ngón trỏ đã quấn băng vào dung dịch Nystatin 500.000 đơn vị đã chuẩn bị rồi đưa vào miệng để rơ lưỡi cho trẻ. Lưu ý không đưa tay vào quá sâu để tránh tình trạng gây nôn trớ cho trẻ
- Nếu trẻ có nhiều mảng trắng nên thay băng để lau lại cho trẻ
Việc trị tưa lưỡi đạt hiệu quả tốt nhất khi đồng thời trị nấm trên núm vú mẹ hoặc núm ở bình sữa của trẻ. Trị nấm bằng cách lau các vị trí này với dung dịch trị nấm Nystatin 500.000 đơn vị
Thăm khám bác sĩ nhi khoa
Trong trường hợp cha mẹ đã dùng các biện pháp tại nhà nói trên mà trẻ vẫn bị các mảng trắng trong miệng, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Với trường hợp trẻ bị nhiễm nấm, bác sĩ thường hay kê một vài loại thuốc điều trị nấm tại chỗ cho trẻ như nystatin, miconazol,…Các thuốc này thường được dùng để rơ miệng hoặc bôi tại chỗ cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm nấm nặng, nấm đã lan rộng sang các cơ quan khác thì cần sử dụng kết hợp thuốc kháng nấm toàn thân như itraconazol hoặc fluconazol.
Tất cả các thuốc được kê cho trẻ đều phải được sử dụng cẩn trọng theo chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ không được tự ý tăng hay giảm liều, cần sử dụng đúng cách và đúng thời gian quy định. Đồng thời cha mẹ không nên cậy tưa lưỡi cho trẻ dưới mọi hình thức, vì việc tự ý cậy tưa lưỡi dễ gây tổn thương cho trẻ mà không thể khiến trẻ khỏi bệnh.