Trẻ bị nổi mẩn đỏ trên mặt có nguy hiểm không? Cách điều trị hiệu quả

Làn da của trẻ nhỏ mỏng hơn nhiều so với da người lớn, sức đề kháng cũng yếu hơn nên bé thường gặp các bệnh lý về da. Các bệnh lý này hầu như không gây ra nguy hiểm gì cho bé nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, các mẹ nên tìm hiểu trước các bệnh lý thường gặp để sẵn sàng đối phó, giúp bé luôn khỏe mạnh. Bài viết dưới đây trình bày về một trình trạng khá phổ biến: Trẻ bị nổi mẩn đỏ trên mặt.

Nổi mẩn đỏ là gì?

Nổi mẩn đỏ là hiện tượng xuất hiện các nốt có màu đỏ, li ti. Các nốt này thường tập trung thành từng đám sần sùi, thường thấy xuất hiện nhất ở hai má, trán hoặc cằm. Trẻ bị nổi mẩn đỏ thường cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ trên mặt

Nổi mẩn đỏ trên mặt là tình trạng bệnh lý về da thường xảy ra ở trẻ em. Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ, có thể kể đến các nguyên nhân phổ biến sau:

Mụn trứng cá (mụn sữa) thường ở trẻ sơ sinh 4-5 tháng tuổi

  • Với trẻ sơ sinh 4-5 tháng tuổi, cơ thể bé vẫn bị ảnh hưởng bởi các hormon được mẹ truyền từ giai đoạn cuối thai kỳ. Các hormon này kích thích tuyến nhờn của trẻ quá mức dẫn đến hiện tượng xuất hiện các mụn mủ như mụn trứng cá kèm sưng đỏ, nên thường gọi là mụn trứng cá hay mụn sữa. Vị trí mụn sữa thường ở trán, má.
  • Tuy nhiên các mụn này sẽ tự hết mà không gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ nếu được xử lý đúng cách.

Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh

  • Bệnh lý này không gây nguy hiểm nhưng khá hay gặp ở trẻ sơ sinh, kể cả trẻ khỏe mạnh. Triệu chứng của bệnh thường biểu hiện sau 2-3 ngày sau sinh, nhưng cũng có trường hợp biểu hiện ngay sau khi sinh hoặc kéo dài đến 14 ngày mới thể hiện ra bên ngoài.
Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ ở mặt trẻ
Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ ở mặt trẻ
  • Bệnh đặc trưng bởi các ban đỏ dạng mụn nước hay mụn mủ, kích thước nhỏ dạng chấm hay hạt. Ban đỏ thường xuất hiện rải rác ở mặt, cánh tay hay đùi.
  • Các nốt ban đỏ này thường biến mất sau 1- 2 tuần mà không cần điều trị đặc biệt, cũng không để lại dấu vết gì trên da trẻ.

Trẻ bị chàm sữa

Chàm sữa là bệnh ngoài da, nhận biết qua các nốt mẩn đỏ li ti ở hai bên má và tay chân. Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường mắc bệnh này, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố di truyền hay cơ địa dị ứng. Sau vài ngày, các nốt mẩn đỏ chuyển sang dạng mụn nước, rồi vỡ ra, đóng vẩy. Vì vậy việc vệ sinh sạch sẽ giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm, điều trị bệnh dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

  • Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh gây ra do sự rối loạn của tiết tuyến bã nhờn, cùng với sự phát triển của nấm men khiến xuất hiện những nốt mẩn đỏ, vảy vàng, nhiều nhờn. Những nốt mẩn này thường xuất hiện thành đám ở vùng tiết nhiều nhờn như mặt, cổ, bẹn.
  • Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, nên cần được chăm sóc và điều trị hợp lý để không để lại biến chứng.

Viêm da thể tạng (chàm thể tạng)

  • Đây là một dạng bệnh chàm thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ 3 tháng tuổi. Càng lớn tỉ lệ mắc viêm da thể tạng càng giảm, trẻ mập mạp có nguy cơ mắc cao hơn.
  • Triệu chứng của viêm da thể tạng: Những nốt mẩn đỏ, sau đó phát triển thành mụn nước tại các vị trí má, trán, xung quanh miệng trẻ. Mụn nước vỡ ra gây viêm, khiến trẻ ngứa ngáy hay nặng hơn dẫn đến viêm tai giữa.
  • Bệnh sẽ tự thuyên giảm và khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên người trưởng thành vẫn có thể tái phát bệnh.

Rôm sảy ở trẻ sơ sinh thường xảy ra vào mùa hè

Một trong những nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ ở trẻ sơ sinh là do rôm sảy, thường xảy ra vào mùa hè. Tình trạng này xảy ra khi lỗ chân lông trên da trẻ bị bít tắc không thoát mồ hôi được. Những ngày nắng nóng, mồ hôi bài tiết càng nhiều khiến viêm lỗ chân lông, khiến những vùng da nhiều mồ hôi xuất hiện đám mẩn đỏ, sau đó lan rộng ra xung quanh gây ngứa, khó chịu.

Dị ứng thời tiết

  • Thay đổi thời tiết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ trên mặt trẻ. Sức đề kháng của trẻ còn yếu nên những thay đổi này có thể gây dị ứng, những vùng da không được che kín sẽ nổi mẩn đỏ, ngứa rát. Dị ứng nặng có thể kèm sốt, chảy nước mũi, ngứa mũi hay ho.
  • Nguyên nhân bệnh là thời tiết, nên chỉ cần sau vài ngày da trẻ sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên bệnh rất dễ tái phát nên trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm.

Nổi mẩn đỏ do bị côn trùng đốt

Nổi mẩn đỏ do bị côn trùng đốt
Nổi mẩn đỏ do bị côn trùng đốt
  • Độc tố của côn trùng khiến làn da nhạy cảm của bé nhanh chóng xảy ra phản ứng viêm, tại vị trí đốt sưng đỏ, gây ngứa thậm chí gây đau.
  • Những côn trùng thường gặp như muỗi, ong, kiến, rệp,… nên chú ý không để chúng đến gần trẻ.
  • Sau khi được rửa sạch và áp dụng các biện pháp chống viêm, kháng khuẩn, vết thương sẽ nhanh chóng xẹp xuống và biến mất.

Bé bị nhiễm nấm Candida

  • Candida là loại nấm thường gặp, phát triển trên da, ngoài ra chúng có thể tồn tại ở miệng, đường ruột hay âm đạo, gây bệnh nấm cho cả người lớn và trẻ em.
  • Trẻ nhiễm nấm Candida trước tiên sẽ bị tưa miệng, một ngày sau trên da xuất hiện những vết ửng đỏ li ti riêng lẻ hay tập trung quanh hậu môn và các vùng xung quanh. Nếu không điều trị nấm kịp thời các nốt đỏ sẽ lan toàn bộ cơ thể.

Trẻ sơ sinh bị mẩn đỏ trên mặt và khắp người do phát ban

  • Khi bị bệnh phát ban (bệnh gây ra do virus Rubella), trên da trẻ xuất hiện những nốt ban đỏ từ mặt lan xuống cổ, xuống ngực rồi khắp người. Sau vài ngày nốt ban hình thành mụn nước, vỡ ra rồi tự làm lành lại da, không để lại dấu vết trên da.
  • Vì vậy bé cần được chăm sóc đúng cách để không để lại vết thâm da, không bị nhiễm khuẩn hay các biến chứng nặng hơn.

Trẻ bị hăm

Hăm da là hiện tượng xuất hiện những nốt mẩn đỏ li ti ở vùng bẹn của trẻ, sờ thấy sần sùi. Nguyên nhân dẫn đến hăm da thường là để bé quấn tã hay mặc bỉm quá bí, trong một thời gian dài khiến da bị kích ứng. Các nốt mẩn này có thể chuyển thành vết loét, viêm nhiễm khiến trẻ khó chịu, quấy khóc.

Các tác nhân bên ngoài khiến trẻ sơ sinh bị mẩn đỏ

  • Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn một số tác nhân bên ngoài dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị mẩn đỏ. Ấy là do hệ miễn dịch của bé đang hoạt động chống lại các tác nhân đó, dẫn đến viêm, xuất hiện các vết sưng, đỏ, đau.
  • Có thể kể qua một vài tác nhân: khói bụi, phấn hoa, lông động vật, kể cả thuốc khi bé dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Cách xử lý khi trẻ bị mẩn đỏ ở mặt

  • Có thể thấy các bệnh lý về da kể trên đều lành tính, hầu như tự khỏi nếu được chăm sóc. Khi trẻ bị mẩn đỏ ở mặt, mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để tìm hướng điều trị. Việc vệ sinh da cho bé là cần thiết trong giai đoạn này, mẹ phải thực hiện nhẹ nhàng và thường xuyên.
  • Trong trường hợp trẻ có thêm dấu hiệu da bất thường hay tình trạng kéo dài dai dẳng, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.

Một số mẹo chữa mẩn đỏ trên mặt cho bé tại nhà

Những mẩn đỏ của trẻ có thể nhanh chóng biến mất nếu mẹ biết một vài mẹo chữa trị cho bé. Sau đây giới thiệu những mẹo phổ biến, có thể dễ dàng thực hiện tại nhà:

Đắp lá khế lên vùng mẩn đỏ

  • Dùng lá khế tươi sao vàng bọc vào khăn mỏng rồi đắp lên vị trí da mẩn đỏ. Lá khế chỉ có tác dụng khi chườm nóng, nên khi nguội mẹ nên dùng lá khác đã sao nóng hoặc sao lại để dùng tiếp.
  • Ngoài ra có thể giã nát lá khế sau khi đã sao héo, rồi đắp trực tiếp lên da.

Dùng lá trầu không

Dùng lá trầu không tị mẩn đỏ trên mặt cho bé
Dùng lá trầu không tị mẩn đỏ trên mặt cho bé
  • Nước lá trầu không bôi ngoài da có tác dụng làm giảm mẩn đỏ. Cách thực hiện như sau: dùng nước muối loãng rửa sạch một nắm lá trầu không, giã nát rồi thêm nước sôi để lọc lấy nước cốt. Bôi trực tiếp nước cốt lên da nhiều lần, kiên trì trong vài ngày mẩn đỏ sẽ hết.
  • Tắm cho trẻ bằng nước lá trầu không cũng có tác dụng nhưng thường chậm hơn bôi trực tiếp lên da trẻ.

Đắp lá tía tô

Rửa sạch lá tía tô, giã nát lấy nước rồi đắp lên da trẻ đã được vệ sinh. Có thể đắp tía tô trong 20 phút mỗi lần, thực hiện vài lần trong ngày. Sau 2-3 ngày các vết mẩn đỏ sẽ giảm đi trông thấy.

Tắm nước mướp đắng

  • Để cải thiện da trẻ mẩn đỏ, cũng có thể cho trẻ tắm nước mướp đắng.
  • Mướp đắng sau khi rửa sạch, đem thái lát rồi nấu nước tắm. Lưu ý pha nước đủ ấm và tắm cho bé.
  • Bình thường, nước mướp đắng cũng có tác dụng kháng viêm cho da nên nếu có điều kiện, các mẹ tắm cho bé thường xuyên để phòng tránh các bệnh về da nhé.

Khi nào mẹ cần đưa bé tới gặp bác sĩ

Tùy vào tình hình của trẻ mà mẹ nên điều trị tại nhà cho bé hay cần đến hướng dẫn của chuyên gia. Đặc biệt trong những trường hợp sau, mẹ cần đưa bé tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời:

  • Bé bị mẩn đỏ kèm triệu chứng sốt cao, co giật (thường gặp với các bệnh sốt virus như sốt phát ban hay dị ứng nặng)
  • Khi tình trạng da bé sau khoảng 1 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn đỏ nặng hơn.
  • Các vết loét bị viêm nhiễm nặng, không lành được miệng vết thương.
  • Khi mẹ không biết rõ nguyên nhân và chưa biết xử lý đúng cách cho trẻ, tìm đến bác sĩ là lựa chọn đúng đắn nhất.

Cách phòng ngừa trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt

Bất kì tình trạng bệnh lý nào của da cũng khiến bé quấy khóc, biếng ăn. Vì vậy tốt hơn cả, các mẹ nên phòng ngừa cho bé các bệnh da liễu nói chung, kể cả hiện tượng nổi mẩn đỏ ở mặt bằng cách:

  • Thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ cho bé cũng như đồ dùng cá nhân, quần áo của bé.
  • Tránh các tác nhân bên ngoài môi trường gây hại cho da bé đã được nêu trên.
  • Tập cho trẻ thói quen không cào tay lên mặt, vì có thể trẻ sẽ vô tình đưa vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vết thương ở da, dẫn đến nhiễm khuẩn.
  • Tăng sức đề kháng cho trẻ: bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu sau sinh, chế độ dinh dưỡng phù hợp, tắm nước lá.
  • Thường xuyên kiểm tra xem có dấu hiệu tổn thương trên da bé không để điều trị kịp thời.

Hi vọng sau khi đọc bài viết, các mẹ sẽ không còn lo lắng khi trẻ bị nổi mẩn đỏ trên mặt nữa.