[Chia sẻ] Mẹo trị rôm sảy cho bé tại nhà tốt và an toàn nhất

Rôm sảy là tình trạng trên da xuất hiện các nốt mẩn đỏ li ti thành mảng, gây ngứa và khó chịu, thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè. Với các trường hợp trẻ bị rôm sảy nhẹ và vừa, thì các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể tham khảo các phương pháp điều trị dân gian an toàn và hiệu quả cho trẻ sẽ được giới thiệu trong bài viết này.

Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy

  • Ở trẻ nhỏ, chức năng của tuyến mồ hôi chưa được phát triển hoàn thiện, do đó mồ hôi thường khó có thể được đào thải qua da một cách dễ dàng.
  • Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn, khiến các tuyến mồ hôi dễ bị tắc nghẽn. Các chất bã nhờn và bụi bẩn được tích tụ trong mồ hôi sẽ là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại trên da phát triển, gây viêm, tạo các nốt mẩn đỏ.
  • Bên cạnh đó, việc vệ sinh cho trẻ không thường xuyên, mặc quần áo không phù hợp với thời tiết, chế độ sinh hoạt và ăn uống không khoa học, nóng trong người,… cũng có thể là nguyên nhân gây rôm sảy ở trẻ.

Mẹo chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh

Vào những ngày thời tiết nắng nóng, để phòng và điều trị rôm sảy, các bậc phụ huynh cần lưu ý các điều sau đây:

Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.

Cho trẻ mặc quần áo, tã lót dễ thoát hay có khả năng thấm hút mồ hôi là tốt nhất. Tránh để trẻ mặc các trang phục quá chật, hay quá nhiều lớp áo vào mùa nóng.

Tắm rửa vệ sinh hằng ngày cho trẻ.

Việc vệ sinh thân thể cho trẻ giúp loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn, làm sạch da, giúp các lỗ chân lông không bị tắc nghẽn, giúp phòng tránh cũng như cải thiện tình trạng rôm sảy. Đặc biệt lưu ý vệ sinh các vùng da dễ ra nhiều mồ hôi của trẻ như lưng, ngực, bẹn, cổ,…

Cho trẻ nằm trong phòng mát.

Cho trẻ nằm trong phòng mát giúp hạn chế rôm sảy ở trẻ
Cho trẻ nằm trong phòng mát giúp hạn chế rôm sảy ở trẻ

Sử dụng quạt gió hoặc điều hoà ở chế độ phù hợp với trẻ nhỏ, để thông thoáng không khí, hạn chế bế hay ôm trẻ, khiến trẻ ra nhiều mồ hôi. Ngoài ra, không nên cho trẻ vui chơi, ra ngoài nắng nóng, hay đến nơi đông người.

Ngoài các biện pháp trên, trong dân gian còn sử dụng lá hoặc quả các loại thảo dược có chứa các thành phần có vai trò như kháng sinh tự nhiên, có tác dụng kháng khuẩn, làm sạch, có khả năng điều trị một số bệnh ngoài da, các bậc phụ huynh có thể tham khảo.

Cho trẻ tắm bằng các nguyên liệu thảo dược như:

Lá trà xanh

  • Đem rửa sạch lá trà xanh tươi. Sau đó, cho lá vào nồi, thêm nước vừa đủ ngập lá. Dùng nước đun này để pha nước tắm cho trẻ.

Mướp đắng

  • Sử dụng 1 đến 2 quả mướp đắng, rửa sạch, thái thành các miếng nhỏ để giã hoặc xay. Sau đó lọc lấy nước cốt mướp đắng, hoà tan nước cốt này vào nước ấm vừa đủ để tắm.

Lá khế

  • Tước bỏ cận gân, chỉ lấy phần lá khế, dùng khoảng một nắm lá là đủ, đem rửa sạch, rồi đem đi đun sôi tầm 5 phút. Có thể thêm một chút muối vào đun cùng lá khế, sẽ giúp tăng hiệu quả của lá. Sau đó chắt lấy nước để pha nước tắm.

Lá tía tô

  • Lá tía tô sau khi được rửa sạch, đem giã hoặc xay nát lấy phần nước cốt. Chấm nước cốt lên vùng da bị rôm sảy. Để yên tầm 10 đến 15 phút, rồi cho trẻ đi tắm lại bình thường hoặc lau sạch bằng nước ấm. Có thể dùng lá tía tô vài lần trong ngày để tăng hiệu quả.

Cỏ mần trầu

  • Rửa sạch một nắm cỏ mần trầu, đem đun sôi. Chắt lấy nước đem pha nước tắm.

Lá trầu không

  • Lá trầu không tươi đem rửa sạch, đun sôi vài phút, sau đó lấy nước để pha nước tắm.

Bôi kem trị rôm sảy

  • Với trường hợp trẻ bị rôm sảy nặng, vùng da bị rôm rộng, thì các mẹo dân gian trên là chưa đủ để điều trị rôm sảy cho trẻ. Các bậc phụ huynh nên có sự tư vấn kịp thời của các bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn để sử dụng các loại kem bôi đặc trị rôm sảy ở trẻ nhỏ, cũng như các lưu ý cần thiết khi sử dụng các loại sản phẩm này.
Sử dụng kem trị rôm sảy cho trẻ
Sử dụng kem trị rôm sảy cho trẻ

Cho trẻ ăn và uống đồ mát

Thường xuyên cho trẻ ăn và uống các loại thực phẩm có tính mát, phù hợp với trẻ như: cam, chanh, dứa, rau ngót, xà lách, bột sắn,…

Một số lưu ý cần nhớ khi dùng lá chữa rôm sảy cho trẻ

Vì làn da của trẻ nhỏ còn rất mỏng manh và nhạy cảm, dễ bị tổn thương, cũng như có khả năng trẻ bị dị ứng với một số nguyên liệu tự nhiên. Do đó phụ huynh nên cho trẻ tiếp xúc trước với nguyên liệu lá sẽ dùng để tắm lên da tay hoặc da chân của trẻ trước khi dùng. Nếu thấy sau một vài giờ da trẻ không có dấu hiệu gì thì có thể dùng lá để tắm cho trẻ. Khi đó, phụ huynh nên nhớ một số lưu ý sau:

  • Các loại lá sử dụng để tắm cho trẻ đều phải ngâm và rửa sạch bằng nước muối hoặc thuốc tím từ 15 đến 20 phút. Với các lá có lông nhỏ trên bề mặt thì nên loại bỏ để tránh gây ngứa trẻ.
  • Tắm cho trẻ bằng sữa tắm chuyên dành cho trẻ nhỏ trước khi tắm lá, để loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn, giúp các chất kháng sinh tự nhiên có trong lá dễ dàng được tiếp xúc với vùng da bị rôm, tăng hiệu quả của thảo dược.
  • Không nên pha nước tắm quá đặc hoặc tắm nhiều lần với lá trong ngày.
  • Nhiệt độ nước tắm cần đảm bảo đủ ấm, không quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Tắm tráng lại bằng nước ấm sau khi tắm lá cho trẻ, để loại bỏ vẩn lá sót lại trên da.
  • Khi thấy da vùng rôm sảy của trẻ có sự cải thiện sau vài lần tắm lá thì nên tiếp tục tắm cho trẻ đến khi khỏi hẳn thì thôi.
  • Khi da trẻ có dấu hiệu bị trầy xước vùng rôm, mưng đỏ, hoặc chảy mủ thì dừng ngay việc tắm lá cho trẻ.