Mất sữa thời kỳ cho con bú là hiện tượng không mấy hiếm gặp, thế nhưng nhiều mẹ lại lúng túng, lo lắng không biết làm thế nào để có lại sữa nuôi con. Việc hiểu rõ nguyên nhân mất sữa là điều tối quan trọng, từ đó chúng ta mới biết cách để điều trị cho phù hợp. Bài viết sẽ đưa ra những nguyên nhân phổ biến gây mất sữa mà các mẹ có thể gặp trong quá trình nuôi con nhỏ.
Cơ chế tiết sữa mẹ
Khi trẻ bú mẹ, các tế bào thần kinh cảm giác ở núm vú nhận tín hiệu, truyền xung động cảm giác lên não. Để đáp ứng với tín hiệu này, thùy trước tuyến yên tiết prolactin- hormone chịu trách nhiệm bài tiết sữa và oxytocin chịu trách nhiệm bài xuất sữa. Ngoài ra việc bài tiết sữa còn chịu ảnh hưởng bởi những hormone khác, tiêu biểu là estrogen và progesteron.
Khi trẻ bắt đầu bú, nồng độ prolactin trong máu bắt đầu tăng, kích thích các phế nang bài tiết sữa. Mức prolactin cao nhất là vào khoảng 30 phút sau khi bú, vì vậy hormone này chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc bài tiết sữa cho lần bú tiếp theo.
Phối hợp với prolactin trong quá trình bài xuất sữa cho bé là oxytocin. Oxytocin tăng tiết khi mẹ nhìn thấy hoặc chạm vào con, nghe tiếng con khóc hoặc khi nghĩ về con một cách âu yếm, hoặc nhận tác động trực tiếp từ việc bé bú mẹ. Oxytocin làm cho các tế bào biểu mô quanh phế nang co lại, đẩy sữa đã được tích trữ ở trong các phế nang chảy vào các ống dẫn sữa. Vậy là sữa đã được bài xuất và chảy tới miệng trẻ.
Việc bài tiết sữa chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Prolactin và oxytocin. Vì vậy những tác nhân tác động lên 2 loại hormone này sẽ quyết định lượng sữa được tiết ra mỗi lần cho con bú.
- Lượng prolactin được sản xuất nhiều vào ban đêm, vì vậy việc cho con bú vào thời điểm này đặc biệt hữu ích cho việc bài tiết sữa, và dường như, prolactin giúp mẹ nghỉ ngơi, thư giãn hơn. Theo khảo sát từ các nghiên cứu cho thấy, nhiều bà mẹ cảm thấy ngủ ngon giấc hơn khi cho con bú vào ban đêm.
- Như chúng ta đã biết, nồng độ oxytocin trong máu tăng cao khi mẹ được tiếp xúc, khi được tiếp xúc với bé và khi bé bú mẹ. Điều này là cơ sở khoa học giải thích tại sao mẹ và bé luôn luôn được giữ bên nhau, tiếp xúc da kề da, là nền tảng của tình mẫu tử thiêng liêng. Bên cạnh đó, oxytocin còn giúp co cơ tử cung, giảm chảy máu tử cung, nhờ vậy tử cung nhanh chóng được hồi phục về trạng thái ban đầu sau khi đẻ.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn cách gọi sữa về bằng lá mít cho các bà mẹ bị mất sữa
8 Nguyên nhân chính gây mất sữa
Mẹ stress, căng thẳng
Sau sinh con, người mẹ có thể gặp phải vấn đề về tâm lý, gọi là chứng “ trầm cảm sau sinh”. Chúng tôi đưa ra những nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng stress của các bà mẹ sau sinh, điều này sẽ giúp các bạn có cảm giác được thấu hiểu, được đồng cảm và quan trọng hơn hết, hiểu để tìm lại nguồn sữa cho con.
Căng thẳng áp lực trong lúc mang thai. Điều này thường hay xảy ra ở những phụ nữ lần đầu làm mẹ. Họ luôn mong muốn dành những điều tốt nhất cho đứa con của mình, nhưng lại không biết chế độ dinh dưỡng nào là phù hợp và tốt cho con? và liệu mắc bệnh trong thời kỳ mang thai liệu có ảnh hưởng đến thai nhi? hay những mối lo lắng về cuộc sống sau này sau khi con được sinh ra,… Những căng thẳng trong thời kỳ mang thai có thể kéo dài ngay cả sau khi sinh.
Trợ cấp xã hội: Việc nhận hỗ trợ từ xã hội như chế độ nghỉ thai sản và tiền trợ cấp thai sản giúp người mẹ an tâm nuôi dưỡng con mà không cần lo lắng về vấn đề tài chính và công việc. Tuy nhiên không phải ai mang thai cũng nhận được những chế độ này, đặc biệt là ở nước ta hiện nay, khi mà nông dân vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, và không phải ngành công nghiệp, dịch vụ nào cũng có trợ cấp thai sản. Vấn đề tài chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lo lắng, căng thẳng ở người mẹ.
Mất ngủ, ngủ không đủ giấc. Điều này thường hay gặp ở những bà mẹ có con hay tỉnh giấc và quấy khóc đêm. Hơn nữa trong thời gian đầu sau sinh, hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp gây chứng ho, khó thở vào ban đêm. Tỉnh giấc giữa đêm khuya dỗ trẻ nín làm gián đoạn giấc ngủ của các bà mẹ. Mất ngủ vì lo lắng cho con khiến các mẹ mệt mỏi và trở nên cáu gắt với mọi thứ xung quanh.
Những kỳ vọng không thực tế. Những người mang thai lần đầu thường mong đợi cảm giác hạnh phúc và vị tha, nuôi dưỡng tình mẫu tử sau khi sinh con. Tuy nhiên trải nghiệm sau khi sinh có thể khác với suy nghĩ trước đó, khiến mẹ mang nặng cảm giác thất vọng và hụt hẫng
Lo lắng về vóc dáng sau sinh. Không biết làm cách nào để tìm lại vóc dáng ban đầu.
Không nhận được sự quan tâm chăm sóc và chia sẻ từ những người thân, đặc biệt là từ người chồng.
Chăm sóc con là niềm hạnh phúc, nhưng cũng không phủ nhận được việc thay tã lót, giặt quần áo cho trẻ sơ sinh hàng ngày sẽ khiến nhiều mẹ cảm thấy stress nặng.
Mẹ căng thẳng sẽ làm giảm nồng độ oxytocin trong máu, giảm khả năng bài xuất sữa. Khi sữa được dự trữ trong các phế nang nhưng không được bài xuất, lâu dần tình trạng căng tức sẽ kích thích cơ thể bài tiết ra chất “ức chế phản hồi tiết sữa – FIL”, ngăn không cho tuyến vú tiết sữa.
Dinh dưỡng không hợp lý
Có lẽ nhiều người cùng thắc mắc, liệu ăn uống không đủ chất có làm mẹ giảm sản xuất sữa cho con? Theo báo cáo từ các nghiên cứu lâm sàng đăng tải trên Thư viện y học quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), việc cung cấp năng lượng từ thức ăn và lượng sữa bài xuất dường như không có mối liên quan.
- Một số nghiên cứu được thực hiện ở Hoa Kỳ cho kết quả: những người phụ nữ sau sinh có cân nặng tăng trong thời kỳ mang thai và sau sinh, một số thực hiện chế độ giảm cân và đã thành công khi giảm 2kg/ tháng, nhưng không ghi nhận được tác động có hại đến việc sản xuất sữa.
- Việc bổ sung sữa cho những bà mẹ suy dinh dưỡng dường như không tác động tới lượng sữa được bài xuất. Lượng sữa trung bình đo được ở những nước công nghiệp phát triển so với những nước đang phát triển không có sự chênh lệch đáng kể mặc dù năng lượng và lượng thức ăn đưa vào có sự khác biệt đáng kể.
Tuy dinh dưỡng không ảnh hưởng tới số lượng sữa, nhưng năng lượng và thành phần sữa lại chịu ảnh hưởng rõ rệt. Việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng có ảnh hưởng tốt tới sức khỏe của mẹ và dinh dưỡng tốt cho con, cũng như bảo vệ bé khỏi những tác nhân gây bệnh nhờ miễn dịch thu được từ sữa mẹ.
Mắc bệnh liên quan đến tuyến vú, tuyến nội tiết
Bệnh lý tuyến vú mà phụ nữ sau sinh thường gặp là viêm tuyến vú và tắc ống dẫn sữa.
Viêm tuyến vú có thể do nhiễm khuẩn hoặc vô khuẩn. Viêm tuyến vú nhiễm khuẩn thường do mẹ cho bé bú không đúng tư thế, hoặc những phụ nữ có núm vú bằng phẳng hoặc thụt sâu vào bên trong, khiến trẻ khó bú và phải lôi giật mạnh mới bú được gây nứt đầu núm vú. Vi khuẩn thường trú trên da bình thường không gây bệnh có cơ hội xâm nhập vào sâu trong tuyến vú gây viêm. Viêm vô khuẩn thường hay gặp do tắc tia sữa. Viêm tuyến vú làm giảm hoặc mất khả năng sản xuất sữa.
Ở một số mẹ bị tắc tia sữa sau sinh, mặc dù sữa vẫn được bài tiết và dự trữ trong các túi phế nang nhưng không được bài xuất ra ngoài. Có thể do trẻ bú không hết sữa, ít hút sữa ra ngoài, mẹ không cho bé bú thường xuyên khiến sữa mẹ bị ứ đọng, không được bài xuất gây ra tình trạng tắc tia sữa.Khối u ở vú chèn ép ống dẫn sữa gây tắc. Ngoài ra mặc áo ngực quá chật hoặc nằm sấp cũng khiến tia sữa bị tắc.
Sự phát triển của tuyến vú chịu ảnh hưởng của nhiều loại hormone như hormone được sản xuất bởi tuyến yên trước ( prolactin và GH), hormone tuyến giáp (T3, T4), tuyến thượng thận (glucocorticoid), buồng trứng ( estrogen và progesterone ), và tuyến tụy ( insulin).
Các bệnh lý gây ra sự rối loạn bài tiết các hormone này có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển các tế bào tiết sữa, các túi phế nang và ống dẫn sữa, từ đó làm giảm khả năng sản xuất sữa.
Thiểu năng tuyến yên làm giảm sản xuất prolactin, các bệnh lý vùng dưới đồi gây giảm bài tiết oxytocin ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng bài tiết và bài xuất sữa.
Mẹ sinh non hoặc đẻ mổ
Các mẹ sinh non thường khó có sữa để nuôi con trong những tuần đầu. Tại sao vậy? Bởi vì khi sinh non, các mô tuyến vú vẫn đang còn trong quá trình phát triển và chưa hoàn thiện cả về cấu trúc lẫn chức năng. Vì vậy mẹ có thể chưa có sữa cho bé bú sau sinh. Hơn nữa với trẻ sinh non cần được nuôi trong lồng kính, việc mẹ không được gần gũi, tiếp xúc với bé sẽ làm ức chế quá trình “phản hồi tiết oxytocin” gây ra tình trạng giảm bài xuất sữa.
Với những người đẻ mổ cũng gặp tình trạng tương tự. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân sinh thường được khuyến khích hơn là đẻ mổ. Chúng ta có thể lý giải cho tình trạng mất sữa sau sinh như sau:
Thuốc gây tê, gây mê và kháng sinh phòng chống nhiễm khuẩn trong quá trình sinh mổ ức chế tiết hormone Prolactin và Oxytocin dẫn tới giảm tiết, giảm bài xuất sữa.
Sau khi hết thuốc gây mê, gây tê, người mẹ bị các cơn đau do mổ tác động, đây cũng được coi là tác nhân gây căng thẳng stress, ức chế sự bài tiết oxytocin làm giảm khả năng bài xuất sữa.
Sinh mổ gây mất máu với lượng lớn, trong khi lượng máu mất trên 500ml đã gây tổn thương tuyến yên, làm giảm chức năng bài tiết prolactin và khả năng dự trữ oxytocin.
Không cho con bú thường xuyên
Trẻ không được bú thường xuyên sẽ dẫn tới sữa bị ứ đọng gây tắc ống dẫn sữa. Nếu như tình trạng này thường xuyên xảy ra, cơ thể sẽ tiết ra chất ức chế phản hồi tiết sữa – FIL như đã nhắc tới ở trên để chống lại tình trạng căng tức vú. Tuy nhiên vấn đề này sẽ được loại bỏ nếu tăng tần suất cho trẻ bú trong ngày hoặc vắt sữa thường xuyên.
Vắt sữa hoặc cho con bú không đúng cách
Cũng tương tự như việc không cho bé bú thường xuyên, vắt sữa không đúng cách sẽ không thể loại bỏ phần lớn sữa mẹ. Điều này dẫn tới ức chế bài tiết sữa mới, tắc ống dẫn sữa dẫn tới giảm sản xuất sữa.
Cho bé bú không đúng cách gây khó khăn cho trẻ bú mẹ. Không đúng cách ở đây có thể là bú sai tư thế, dẫn tới việc bé lôi kéo núm vú gây tổn thương núm vú, tăng nguy cơ viêm vú. Không đúng cách cũng có thể do chỉ cho trẻ bú 1 bên, bên còn lại căng tức cũng gây ra tình trạng ức chế bài tiết sữa cho cả 2 bên vú.
Dùng thuốc khi cho con bú
Khi sử dụng thuốc trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến khả năng chế tiết sữa. Sau đây là những loại thuốc gây giảm tiết hoặc mất sữa.
Các dẫn chất ergot (tiêu biểu như Bromocriptin, Cabergoline) được sử dụng sau sinh để loại bỏ nhau thai và co tử cung, chúng làm giảm nồng độ prolactin trong máu và làm giảm chất lượng của prolactin dẫn tới giảm bài tiết sữa.
Thuốc tránh thai chứa estrogen, mặc dù chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng có một số bằng chứng lâm sàng cho thấy việc sử dụng estrogen ngay sau sinh để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn dẫn tới giảm sản xuất sữa hoặc mất sữa. Do đó, những bà mẹ sau sinh muốn dùng viên tránh thai chứa estrogen đều được cảnh báo về nguy cơ mất sữa.
Thuốc kháng sinh Tetracycline, Metronidazole, Nitrofurantoin, Vancomycin và Teicoplanin, Chloramphenicol,… thuốc chống dị ứng cyproheptadine gây mất sữa.
Massage ngực không đúng cách khi mất sữa
Massage ngực khi tắc tia sữa giúp thông tia sữa bị tắc. Tuy nhiên massage không đúng cách không làm giảm sự tắc nghẽn ống dẫn sữa. Vì vậy muốn lấy lại sữa, các mẹ cần phải nắm vững kỹ thuật massage ngực.
Giải đáp một số câu hỏi thường gặp
Uống kháng sinh bị mất sữa phải làm sao?
Trong quá trình nuôi con, chuyện mẹ ốm ( cảm cúm, ho, sổ mũi,…) là điều không tránh khỏi và cần phải dùng tới kháng sinh. Các mẹ lo sợ uống kháng sinh làm mất sữa, tuy nhiên vấn đề này chỉ xảy ra khi uống một số loại kháng sinh đã được đề cập ở trên. Để tránh tình trạng này, chúng ta sẽ dùng những loại kháng sinh được chỉ định cho mẹ thời kì đang cho con bú.
Nhưng tốt nhất là phải phòng bệnh, bằng cách nâng cao sức đề kháng: ăn đầy đủ dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, làm việc phù hợp, không vận động quá sức, không sử dụng chất kích thích như rượu, cafe, thuốc lá và giữ ấm cơ thể.
Hút sữa hoàn toàn có mất sữa không?
Câu trả lời lại hoàn toàn ngược lại, hút sữa hoàn toàn không những không làm mất sữa mà còn làm tăng bài tiết và bài xuất sữa. Khi lượng sữa dự trữ ở các túi phế nang giảm, sẽ có cơ chế phản hồi ngược lên vùng dưới đồi và tuyến yên, làm tăng tiết prolactin và oxytocin, dẫn đến tăng sản xuất sữa.
Uống sữa bầu gây mất sữa sau sinh?
Nguồn thông tin này xuất phát từ câu hỏi của một số chị em sau sinh. Một mẹ bỉm sữa up câu hỏi trên diễn đàn “lamchame.com”, “ mang bầu 1 ngày uống 2 cốc Similac Mom, sau sinh mất sữa”, vấn đề này làm nhiều mẹ rất hoang mang. Tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy uống sữa bầu mất sữa sau sinh. Thậm chí sữa bầu còn được khuyến khích cho mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và bé. Đối với trường hợp trên, câu hỏi xuất phát từ suy nghĩ của quan của người mẹ, có thể việc mất sữa là do những nguyên nhân khác mà người mẹ này không đề cập tới hoặc không rõ.
Thức khuya có ảnh hưởng đến sữa mẹ không?
Các mẹ trong thời kì sau sinh thường xuyên phải thức đêm để chăm bé, ru cho bé ngủ, thậm chí còn thức suốt đêm để trông con trong trường hợp bé bị ốm, sốt. Nhiều mẹ lo lắng tới mất ngủ về vấn đề chăm con. Điều này làm ảnh tưởng tới tâm trạng, cảm xúc của người mẹ. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra, mẹ có thể rơi vào trạng thái căng thẳng, stress. Và căng thẳng, stress là 1 trong các nguyên nhân phổ biến gây ra mất sữa.
Mẹ khóc có ảnh hưởng đến sữa?
Vấn đề khóc không làm ảnh hưởng đến sản xuất sữa. Mà chính nguyên nhân khiến mẹ khóc mới làm mất sữa. Nếu mẹ khóc vì hạnh phúc, điều này không làm giảm khả năng bài tiết sữa. Thậm chí nhiều mẹ khóc khi được ở gần con, được âu yếm con còn làm tăng khả năng bài xuất sữa do tăng tiết oxytocin. Tuy nhiên nếu mẹ khóc vì quá căng thẳng, mệt mỏi vì lo lắng khi con ốm, không chăm con được chu đáo, vì tài chính gia đình, hay vì chồng không quan tâm… có thể khiến mẹ mất sữa.
Có bầu có bị mất sữa không?
Khi có bầu, nhau thai tăng tiết estrogen và progesterone, 2 hormon này ức chế tuyến yên bài tiết prolactin. Đây là lý do tại sao khi mang bầu, không có sữa được bài xuất từ tuyến vú. Và để chăm sóc tốt nhất cho đứa con mới chào đời từ nguồn sữa mẹ, các mẹ cần phải phòng tránh mang thai. Vừa để bảo vệ sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mẹ, vừa để đứa con được nuôi dưỡng một cách tốt nhất và phát triển khỏe mạnh.