Sốt siêu vi là gì?
Sốt siêu vi, hay còn gọi là sốt virus, là một tình trạng ám chỉ người mắc bệnh bị sốt do một bệnh lý nhiễm trùng do virus gây ra. Nhiều người thường nhầm lẫn “sốt siêu vi” là một bệnh, kỳ thực “sốt siêu vi” là một cụm từ ám chỉ một triệu chứng (“sốt”) cùng với nguyên nhân gây ra bệnh (“siêu vi”). Tuy nhiên, sự nhầm lẫn này là không quá quan trọng, vì nó không làm thay đổi quan điểm điều trị.
Sốt siêu vi thường gặp vào thời điểm giao mùa, ở những bệnh nhân có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người cao tuổi, người mắc một số bệnh lý mạn tính không lây (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [COPD: Chronic Obstructive Pulmonary Disease], tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận, suy gan, xơ gan, đái tháo đường, ung thư…), người suy giảm miễn dịch bẩm sinh (thiểu năng miễn dịch dòng tế bào lympho B hoặc T…) hoặc mắc phải (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải [AIDS: Acquired ImmunoDeficiency Syndrome] do virus HIV [Human Immunodeficiency Virus] gây ra, người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch [Glucocorticoid liều cao, Cyclosporin, Tacrolimus, Azathioprine…] ở một số bệnh lý tự miễn [lupus ban đỏ hệ thống {SLE: Systemic Lupus Erythematosus}, vẩy nến, viêm khớp dạng thấp…] và ung thư [chủ yếu là ung thư máu]).
Nguyên nhân gây ra sốt siêu vi
Nguyên nhân gây ra sốt siêu vi, nếu hiểu theo nghĩa rộng, có thể là tất cả các virus có thể làm cho cơ thể chúng ta sốt. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta sẽ hiểu nguyên nhân gây ra sốt siêu vi là một số loại virus xác định, bao gồm Influenza virus (virus cúm), Rhinovirus, Adenovirus, Enterovirus, Coronavirus (có rất nhiều chủng Coronavirus khác nhau, ở đây chúng ta không tính đến Coronavirus chủng mới năm 2019 – COVID19).
Một số chủng virus khác khi gây bệnh cho người cũng làm cho cơ thể sốt nhưng không được xem là sốt siêu vi, ví dụ như virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue. Sốt xuất huyết có nhiều điểm đặc trưng khác biệt với các triệu chứng thường gặp của sốt siêu vi, cùng với đó là tiên lượng bệnh cũng có nhiều điểm khác biệt.
Triệu chứng của sốt siêu vi
Triệu chứng lâm sàng
Sốt siêu vi có một số triệu chứng lâm sàng rất đặc trưng và dễ nhận biết, bao gồm:
Sốt: Điều này là hiển nhiên vì ngay trong tên gọi của nó đã có từ “sốt”. Tuy vậy, không giống nhiều bệnh lý khác, sốt trong sốt siêu vi thường cao từ 38.5-39 độ C trở lên. Sốt là một phản ứng tự nhiên có lợi của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh (ở đây là virus), tuy nhiên sốt quá cao có thể gây nguy hiểm, dẫn đến co giật, hôn mê, tổn thương não… (đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ).
Sốt thường giảm về sáng nhưng cao hơn về chiều.
Mệt mỏi toàn thân, đau nhức cơ bắp: Triệu chứng này có thể giúp phân biệt sốt siêu vi với nhiều thể sốt khác. Khi bị sốt siêu vi, bệnh nhân rất mệt, cơ thể nặng nề, có cảm giác “không muốn làm gì”, cơ bắp toàn thân đau nhức (đặc biệt ở vùng thắt lưng), đau đầu. Thêm vào đó, bệnh nhân cũng cảm thấy chán ăn, ăn không ngon.
Các triệu chứng hô hấp: Ho, ngạt mũi, chảy nước mũi. Các triệu chứng này thường gặp ở sốt siêu vi, làm cho người bệnh khó chịu, đồng thời có thể gây lây bệnh cho những người xung quanh. Do vậy, bệnh nhân thường được khuyên nên hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh, giữ khoảng cách an toàn với mọi người và nên đeo khẩu trang ở nơi đông người.
Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, các triệu chứng sau đây có thể gợi ý cho tình trạng sốt siêu vi: Quấy khóc, bỏ bú, ngủ li bì, đỏ mắt, chảy nước mắt, đau bụng, buồn nôn, phát ban, tím tái…
Triệu chứng cận lâm sàng
Thông thường các triệu chứng cận lâm sàng không có ý nghĩa nhiều, bởi chỉ cần các triệu chứng lâm sàng là đã đủ để các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và điều trị phù hợp. Vì vậy, các triệu chứng cận lâm sàng sẽ được bỏ qua trong bài viết này.
Phân biệt sốt siêu vi và sốt thông thường
Triệu chứng quan trọng và dễ nhận biết nhất để phân biệt sốt thông thường hàng ngày với sốt siêu vi là triệu chứng đau mỏi cơ bắp toàn thân. Triệu chứng lâm sàng này chỉ xảy ra ở sốt siêu vi, còn sốt thông thường trong cộng đồng sẽ không bao giờ có.
Ngoài ra, sốt thông thường còn khác với sốt siêu vi ở một điểm nhỏ, đó là sốt thông thường thường không quá cao như sốt siêu vi. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp sốt thông thường cao như sốt siêu vi. Do vậy, dấu hiệu này không hoàn toàn chính xác.
Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus Dengue gây ra. Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn.
So với sốt siêu vi, sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng lâm sàng đặc trưng mà sốt siêu vi không có hoặc ít gặp:
– Xuất hiện các chấm đỏ dưới da, chảy máu chân răng (dấu hiệu của xuất huyết).
– Các triệu chứng nặng: Gan to, đau bụng vùng hạ sườn phải (vị trí giải phẫu của gan), thiểu niệu hoặc vô niệu (dấu hiệu của giảm lưu lượng máu đến thận, bệnh nhân có nguy cơ suy thận cấp).
Triệu chứng cận lâm sàng của sốt xuất huyết cũng đặc trưng không kém, đặc biệt là ở công thức máu:
– Hct (Hematocrit) tăng (dấu hiệu cho thấy máu bị cô đặc do nước cùng nhiều thành phần khác thoát ra khỏi lòng mạch, bệnh nhân có nguy cơ sốc giảm thể tích và có thể tiến triển thành suy đa tạng [tiên lượng xấu] do giảm tưới máu tới các cơ quan).
– Số lượng tiểu cầu giảm (nguyên nhân gây ra xuất huyết).
Sự khác biệt giữa sốt siêu vi và sốt xuất huyết chỉ thực sự rõ nét và dễ nhận thấy từ sau giai đoạn đầu (3 ngày đầu kể từ khi mắc bệnh) do lúc này các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết thường đã biểu hiện rõ. Còn ở thời điểm 3 ngày đầu mắc bệnh, rất khó có thể phân biệt sốt xuất huyết với sốt siêu vi chỉ bằng các triệu chứng lâm sàng.
Điều trị sốt siêu vi
Việc điều trị sốt siêu vi chỉ tập trung vào điều trị triệu chứng do chưa có thuốc đặc trị.
– Hạ sốt: Thuốc hạ sốt được ưu tiên dùng ở Việt Nam là Paracetamol với liều 10-15 mg/kg thể trọng/lần. Thuốc được dùng 4-6 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ. Liều tối đa ở người trưởng thành là 4 g/ngày.
Lưu ý: Việc quá liều Paracetamol có thể gây độc gan (hoại tử tế bào gan) rất nguy hiểm.
Các thuốc hạ sốt khác có thể được sử dụng là các thuốc NSAIDs (NonSteroidal Anti-Inflammatory Drugs: thuốc chống viêm không steroid). Ngoài tác dụng hạ sốt, các thuốc nhóm này còn có tác dụng chống viêm và chống kết tập tiểu cầu. Các NSAIDs đều có tác dụng không mong muốn nhiều hơn Paracetamol, điển hình là làm giảm mức lọc cầu thận (có thể gây suy thận), tăng nguy cơ gây loét dạ dày – tá tràng (các thuốc ức chế COX [cyclooxygenase] không chọn lọc có nguy cơ cao hơn) và tăng nguy cơ gặp các biến cố trên tim mạch (các thuốc ức chế COX-2 chọn lọc có nguy cơ cao hơn).
– Bù nước và điện giải: Điều này giúp bệnh nhân nhanh khỏi hơn. Bác sĩ sẽ tùy thuộc vào mức độ nặng của sốt siêu vi mà quyết định truyền dịch hay chỉ cần uống nước và điện giải. Dịch truyền thường được sử dụng là dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9% hoặc dung dịch Ringer lactate. Dung dịch uống thường được sử dụng là dung dịch Oresol.
– Điều trị ngạt mũi: Có thể sử dụng các thuốc cường hệ α-adrenergic (hệ α giao cảm) tại chỗ để điều trị ngạt mũi, giúp cho đường thở thông thoáng, giảm sự khó chịu cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên loại thuốc này không nên sử dụng kéo dài, nếu không sẽ khiến cho các mao mạch mũi bị sung huyết nặng nề hơn.
Các đại diện của nhóm thuốc này là Xylometazoline, Oxymetazoline, Naphazoline…
Trả lời một số câu hỏi thường gặp
Sốt siêu vi có lây nhiễm không?
Sốt siêu vi hoàn toàn có thể lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là khi tiếp xúc gần với người bệnh và không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, “có thể lây” không đồng nghĩa với việc bất cứ ai tiếp xúc gần với người bệnh và không đeo khẩu trang đều sẽ bị sốt siêu vi. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đề kháng của mỗi người. Người có đề kháng tốt hoàn toàn có thể không bị lây nhiễm dù cho có tiếp xúc gần với người bệnh và đeo khẩu trang hay không. Dù vậy, với bệnh nhân bị sốt siêu vi, khuyến khích giữ khoảng cách với người khác và đeo khẩu trang thường xuyên.
Sốt siêu vi có nên truyền dịch không?
Câu trả lời còn tùy thuộc vào mức độ nặng của sốt siêu vi như đã nói ở trên. Việc truyền dịch có bản chất tương tự như uống Oresol, khác biệt nằm ở chỗ nó đem lại tác dụng nhanh hơn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn (nhiễm trùng, quá tải thể tích tuần hoàn…). Vì vậy, bác sĩ thường chỉ chỉ định truyền dịch khi thực sự cần thiết.
Sốt siêu vi ở phụ nữ có thai có nguy hiểm không?
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị sốt siêu vi do sức đề kháng thường giảm hơn so với bình thường. Sự nguy hiểm của sốt siêu vi ở phụ nữ có thai phụ thuộc vào loại virus gây bệnh và thời gian thai kỳ. Mức độ nguy hiểm thường nghiêm trọng hơn ở 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu người phụ nữ bị sốt siêu vi trong giai đoạn này, trẻ sinh ra có nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch hoặc dị tật tim bẩm sinh (nguyên nhân thực sự do triệu chứng sốt hay do virus còn chưa rõ). Ngoài khoảng thời gian 3 tháng đầu thai kỳ, các khoảng thời gian sau ít nguy hiểm hơn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả người mẹ và thai nhi. Sốt siêu vi trong giai đoạn này có thể là nguyên nhân gây ra đẻ non, sảy thai, tăng nguy cơ mắc các bệnh nặng khác và tử vong ở người mẹ.
Nhìn chung, trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu người mẹ bị sốt từ 38 độ C trở lên, họ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, bất kể chưa có triệu chứng rõ ràng và điển hình nào của sốt siêu vi.
Khi có dự định mang thai, nên tiêm phòng cúm trước đó. Vaccin cúm có khả năng bảo vệ trong vòng 1 năm.
Sốt siêu vi ở trẻ em kéo dài mấy ngày?
Thời gian sốt siêu vi ở trẻ em thường là 7-10 ngày. Tuy nhiên đây chỉ là con số tham khảo và mang tính tương đối, bởi thời gian sốt còn phụ thuốc rất nhiều vào khả năng đề kháng của trẻ cũng như sự điều trị có tích cực hay không. Nếu trẻ có đề kháng tốt cộng với được điều trị tích cực từ sớm, trẻ có thể khỏi rất nhanh.
Tham khảo thêm: